Nền kinh tế số Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD vào năm 2025
Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 26/04/2022
Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai gần. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay từ khi khởi nghiệp, việc tiếp cận và chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp chuyển hóa hoạt động và quá trình vận hành từ thụ động hay còn gọi là phản ứng sau (phản ứng chạy theo) với những diễn biến trên thị trường sang tâm thế chủ động theo dõi diễn biến của thực tế và dự báo - tiên đoán những gì sẽ xảy ra.
Việc chủ động trong sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược cạnh tranh theo thời gian thực. Khả năng dự báo giúp doanh nghiệp có thể tiên lượng những vấn đề xảy ra và đưa ra những chiến lược dẫn đầu nhằm đáp ứng và xử lý trước khi có các thay đổi trên thị trường. Như vậy, tùy theo các cấp độ chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể đi theo, đáp ứng và dẫn đầu các thay đổi.
Theo phân tích, chuyển đổi số cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp. Nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực vật lý.
Khi thay đổi và nhân rộng không gian thực vật lý sẽ đòi hỏi thời gian trễ để đáp ứng thị trường. Thông qua kiến trúc số, phát triển dịch vụ, sản phẩm cũng như chuỗi giá trị số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tái cấu trúc, mở rộng, thêm mới hoặc nâng cấp cũng như cắt bớt quy mô và phạm vi hoạt động doanh nghiệp một cách dễ dàng.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp doanh nghiệp có thể hiểu, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.
Hiện tại, nguồn nhân lực về công nghệ và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp; nhất là khi phải tập trung vào quá nhiều mảng đầu tư. Các phần mềm công nghệ make in Vietnam cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, ngôn ngữ sử dụng tại các phần mềm ứng dụng của quốc tế cũng rất khó hiểu, khó tiếp cận nhất là với những doanh nghiệp có lãnh đạo là phụ nữ.
Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp rất mong mỏi, các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức những khóa đào tạo, kết nối, tư vấn hướng nghiệp cơ bản về số hóa cho doanh nghiệp. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ về vốn, nền tảng công nghệ để doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới.