Ngăn chặn tham nhũng bằng chính sách, cần nhất là "không thể" và "không dám"

Trong nước - Ngày đăng : 09:30, 26/04/2022

Đảng và Nhà nước đang tăng cường công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước, để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ chống tham nhũng ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và bỏ qua doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ là một lỗ hổng lớn.
Ngăn chặn tham nhũng bằng chính sách, cần nhất là
323345454-7883-1650939105.jpg

Doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam đóng góp hơn 40% GDP và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm nhưng nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chưa được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Vì thế, mong muốn của đông đảo doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là các chính sách cần rõ ràng, minh bạch và công bằng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.

Theo TS. Nguyễn Mạnh  Hiền-Viện phó Viện Quản lý Kinh doanh quốc tế  IDEAS:  'Khi Việt Nam bước vào cánh cửa hội nhập, ký nhiều cam kết bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch thì vấn đề  phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư càng trở nên cần thiết".

Tại hội thảo diễn ra cách đây gần 6 năm dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng đã đề cập vấn đề này và có đánh gia cho rằng tham nhũng tại Việt Nam vẫn đang nghiêm trọng - Và các đại biểu đều cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng sẽ tạo lập ra môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. 

Đây cũng là mong mỏi rất lớn của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Bởi, một khi còn DN sân sau với nhiều ưu ái về cơ chế, quyền lực thì các DN không nằm trong nhóm lợi ích này sẽ rất khó có môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo TS Vũ Trung Kiên- Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Khu vực II: : 'Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là khi kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động tốt, minh bạch, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp để móc nối với một số cá nhân có quyền lực trong cơ quan khối công quyền để lập ra "công ty sân sau" làm thị trường kinh doanh cạnh tranh bị méo mó, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước, của người dân. Đặc biệt nếu xảy ra thất thoát lớn, tham nhũng lớn và những chuyện tiêu cực thì sẽ làm mất đi niềm tin của cộng đồng doanh nhân - những người làm ăn chân chính. Vì vậy, việc chống tham nhũng đối với doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là bước đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, cũng là nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp chân chính.

Cùng với việc cổ phần hóa, TS Kiên cho rằng, chúng ta đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có nhiều hợp tác với nước ngoài. Vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất là giảm bớt doanh nghiệp mà nhà nước chi phối để tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước. Câu hỏi đặt ra là nếu ta không kiểm soát tốt được vấn đề này thì sẽ xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền móc ngoặc với các doanh nhân trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, khiến cho cạnh tranh trong kinh doanh mất bình đẳng. Thứ hai là làm méo mó thị trường, 

Nhìn vào thực tiễn việc phòng chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay, nguy hiểm và tinh vi nhất là hiện nay không còn nhiều người tham nhũng bằng tiền mà tham nhũng bằng chính sách. Tác hại mà nó gây ra là rất lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là ban hành chính sách sao cho tối ưu nhất. Cần phải lắng nghe ý kiến nhà khoa học, cần có những hội thảo công khai, minh bạch để xin ý kiến của các trí thức lớn hay những chuyên gia từng lĩnh vực. Đặc biệt là báo chí phải công khai thông tin để những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với doanh nghiệp và người dân. 

Thực tế cho thấy, ở nước nào cũng có "rác tham nhũng" nhưng vấn đề là người ta dọn rác như thế nào và trị tham nhũng như thế nào. Ở Việt Nam hiện nay, với những gì đang diễn ra thì các doanh nghiệp chân chính và người dân có quyền hy vọng Đảng và Nhà nước đang thực hiện việc phòng chống và trị tham nhũng, tiêu cực rất mạnh mẽ, quyết liệt chứ không phải nói suông.

Để ngăn chặn việc cán bộ công chức có ý đồ, hành vi tham nhũng thì thứ nhất là làm sao để họ "không thể”, tức là chúng ta cần một hệ thống pháp luật minh bạch, công khai. Tất cả quy trình ra những chính sách phải thực sự khoa học, minh bạch. Đó là bước đầu tiên để ngăn chặn tham nhũng. Thứ hai, cần phải giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức. Con người khác con vật ở chỗ con người có ý thức và biết sử dụng ý thức đấy để tiết chế hành vi của mình. Nếu chúng ta đọc cuốn hồi ký "Tất cả là thử thách" của ông chủ Tập đoàn Hyundai, ta sẽ thấy giới công chức của Hàn Quốc họ có đạo đức như thế nào. Đạo đức đó có được là do sự giáo dục của chính phủ về đạo đức và liêm sỉ đối với toàn bộ công chức nhà nước. Thứ ba, "không dám", cán bộ công chức cần phải sợ, tức là Đảng và Nhà nước phải xử cho nghiêm, luật pháp phải nghiêm và chặt chẽ. Đảng luôn khẳng định là không có vùng cấm, không có chuyện du di, tôi nghĩ luật pháp không vô tình, luật pháp vẫn có tình nhưng lý phải đi với nghiêm.

Ý Nhi