Văn hóa đọc giúp cải tạo chúng ta

Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 26/04/2022

Tôi rất tôn trọng văn hóa đọc. Đọc sách và viết sách là một lĩnh vực tôi đam mê và tôi cảm giác đây là lĩnh vực mình thành công nhất. Chỉ có văn hóa đọc mới giúp cải tạo được chúng ta”. Đó là chia sẻ của ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).
Văn hóa đọc giúp cải tạo chúng ta

Ông Lê Doãn Hợp chia sẻ: “Trong cuộc đời tôi làm lãnh đạo với 18 chức danh, tôi sợ nhất có một loại người, đó là những người dốt mà không biết mình dốt. Loại người này, họ nghĩ những gì, làm gì... nói thật là khó lường lắm. Muốn cải tạo được cái dốt, xóa cái dốt, mỗi người cần phải học, phải đọc sách. Bạn có thể đọc báo để giúp làm giàu nhanh hơn, có thể đọc tạp chí để giúp làm nghề tốt hơn... nhưng tôi nghĩ, chỉ có đọc sách thì mới giúp chúng ta làm người được tốt hơn”.

Ba chủ thể cùng sáng tạo 

Văn hóa đọc là phải có ba chủ thể cùng sáng tạo. Thứ nhất, người viết sách phải thông tuệ thì mới viết được tác phẩm hay. Thứ hai, người xuất bản sách phải có trí tuệ thì mới lựa chọn được những tác phẩm có nội dung tốt để xuất bản được sách hay. Mỗi cuốn sách (một tác phẩm hoặc nhiều tác phẩm) hay, là phải chứa được một thông điệp mang tính thời đại, tính thời cuộc, mang tính nhân văn. Thứ ba, cả hai người vừa nêu thông tuệ và trí tuệ, thì người đọc sách mới trở thành giàu trí thức. Chính vì thế, tôi muốn nói một chút về nghề xuất bản.

Làm xuất bản là một nghề rất vẻ vang. Đó là nghề chọn chữ, chứ không phải làm công việc sắp chữ. Nghề chọn chữ cần phải có tri thức mới có thể chọn được những tác phẩm của người viết có nội dung hay, có giá trị về tri thức, mang tính nhân văn để xuất bản ra những cuốn sách hay giúp ích cho người đọc. Xét ở khía cạnh đọc thì người làm xuất bản buộc họ phải đọc, đọc nhiều nên có điều kiện hiểu rộng, biết sâu, rất có thể trở thành người có danh tiếng (triết gia, thầy cho chữ, nhà cải cách, nhà canh tân, nhà đổi mới...). Bác Hồ của chúng ta là một nhà đổi mới, danh nhân văn hóa thế giới, một phần cũng nhờ do Bác đi nhiều, học nhiều, đọc nhiều, nên kiến thức, trí tuệ của Bác rất uyên thâm trên nhiều lĩnh vực.

Trong thời đại công nghệ, sách điện tử đã lên ngôi. Nhưng tôi khẳng định sách in vẫn mãi mãi có vị trí trong lịch sử loài người. Lý do bởi sách là sử, lịch sử phải được chứng minh bằng sách. Thị trường sách của ta hiện nay, sách hay tôi nghĩ chưa nhiều, sách xấu thì cũng ít, nhưng sách vô bổ thì tôi có cảm giác là quá nhiều. Lưu hành một cuốn sách vô bổ, có mấy cái lãng phí: lãng phí thời gian của người đọc; lãng phí giấy, mực, chi phí in; làm mất uy tín của tác giả và của nhà xuất bản. Vì vậy, làm xuất bản, cần phải có trí tuệ, có tâm, mới ra được sách hay cho người đọc. 

Xuất bản quan trọng là vậy, nhưng chúng ta chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về xuất bản. Hội Nhà báo thì xem là hội chính trị, còn Hội Xuất bản thì lại xem là hội nghề nghiệp, đấu tranh thay đổi mấy chữ này cũng không dễ.

Yêu sách, đọc sách sẽ thành công

Biểu hiện văn hóa của con người là sự tỏa lan ra bên ngoài của đạo đức. Người có văn hóa chính là người có đạo đức, có học, có đọc. Đọc sách là đãi cát tìm vàng. Đọc nhiều khi cả trăm trang sách mới rút ra được một ý mang giá trị trường tồn. Đọc năm bảy trang chưa thấy hữu ích rồi thôi, thì sự đọc cũng không có mấy ý nghĩa.

Biết chữ mà không chịu đọc thì cũng giống như người mù chữ. Khi tôi công tác đến đất nước Israel, một chính khách của họ nói với tôi rằng: “Con người hơn con vật ở chỗ là chúng ta biết chữ và biết đọc. Nếu con người không chịu đọc thì cũng chẳng khác gì là con vật. Khoảng 70-80% thành công của đất nước Israel có được đến nay là nhờ đất nước này có văn hóa đọc”.

Đại diện Tập đoàn Google nổi tiếng thành công có giá trị tới 63 tỷ USD, họ nói nhiệm vụ của họ đơn giản là tập hợp ánh sáng và văn minh của nhân loại, phân loại và đưa đến với người đọc một cách nhanh nhất. Muốn làm được điều đó, Google dĩ nhiên phải học, phải đọc, đọc rất nhiều mới tập hợp được tinh hoa, ánh sáng văn minh... của nhân loại để đưa đến với mọi người.

Học, đọc để sống tốt, làm việc tốt

Tôi cho rằng, học tốt nhất là đọc, đọc tốt nhất là để học. Lê-Nin có nói “học, học nữa, học mãi” và “học phải trở thành một bộ phận khăng khít trong đời sống chúng ta, học để cải thiện đời sống của chính mình”. Câu nói thứ hai của Lê-Nin tôi thấy rất hay. Ở đất nước chúng ta, nhiều người lại có quan niệm học là để làm quan. Học để làm quan được thì quá tốt rồi còn gì. Làm quan lo được cho nhiều người, lo được cho nhiều nhà, thì nên học để làm quan. Đó là khát vọng, là sự nghiệp, là cống hiến, để lại những dấu ấn tốt đẹp. Nếu làm quan mà chỉ lo cho cá nhân, cho một nhà, thì tôi khuyên nên học để làm dân. Làm quan được hưởng lương, thưởng vua ban khi hoàn thành trọng trách, cùng lắm nữa là được thêm chút lộc nhờ cấp dưới yêu thương, kính trọng mà có. Còn làm quan mà dùng quyền lực để kiếm tiền, thì không chết vì lưới người cũng sẽ chết vì lưới trời.

Tôi điểm lại trong năm 2021, có 7 người tặng sách cho tôi. Tôi đọc xong thấy mình lớn hơn một ít, quý bạn mình hơn. Nói thật, cái tôi để lại cho con cháu về sau này cũng chính là sách. Tôi đang làm cuốn sách Cho và nhận. Tôi nghĩ, trong tất cả những cái cho, cho người ta nhận thức là quan trọng nhất. Đừng bao giờ nghĩ rằng, cho kinh tế là quan trọng, mà cho một lời khuyên, một hướng đi, một tầm nhìn, một cách nhìn, cho tâm linh, cho từ thiện, cho công việc mới là cho ngàn vàng đấy. Cho sách cũng là như vậy. Dĩ nhiên, sách phải là những cuốn sách hay, có giá trị, nếu sách không hay thì người đọc có ham đọc đến mấy cũng chẳng có mấy ý nghĩa. 

Ngọc Quỳnh