Trái đắng chứng khoán
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 28/04/2022
Tin xấu kéo thị trường đi xuống
Với những nhà đầu tư F0 (người mới tham gia thị trường), có lẽ bây giờ càng hiểu "trái đắng chứng khoán" là như thế nào khi nhiều khoản lỗ lớn xuất hiện, thậm chí có những cổ phiếu đang từ lãi nhanh chóng trở thành lỗ vì chần chừ không chốt lời sớm.
Mọi chuyện dường như bắt đầu từ việc khởi tố các hành vi thao túng thị trường của Chủ tịch HĐQT FLC là ông Trịnh Văn Quyết. Nó gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các "đội lái" trên thị trường với những hành vi thao túng và đẩy giá, khiến dòng tiền đầu cơ e ngại và tạm thoát ra. Diễn biến bán tháo sớm của nhóm cổ phiếu đầu cơ, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) là minh chứng rõ nhất cho thấy nỗi e sợ này.
Xu hướng tăng hai năm qua đã bị gãy |
Tiếp sau đó là việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và chủ tịch tập đoàn này bị khởi tố, đã dẫn đến nỗi lo ngại sẽ có những trường hợp tương tự bị phát hiện tiếp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp những năm qua tăng trưởng nóng một phần nhờ vào các công ty chứng khoán (CTCK) và ngân hàng, do đó khi trái phiếu doanh nghiệp gặp vấn đề, giới đầu tư lo sợ các CTCK và ngân hàng "vạ lây", vì vậy đã kéo theo cổ phiếu của hai ngành này giảm mạnh, làm cho thị trường chung chìm sâu khi đây là những cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung.
Trong khi đó, những tin đồn thất thiệt xuất hiện đã góp phần khiến nhà đầu tư lo sợ, dẫn đến thoát hàng bằng mọi giá tại một số cổ phiếu. Dù nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng trấn an và cơ quan quản lý đã chủ động xử lý các hành vi tung tin đồn gây ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nhà đầu tư dường như vẫn chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi vì không biết sẽ còn những vụ sai phạm nào được phanh phui.
Bán giải chấp
Thị trường lao dốc nhanh trong thời gian ngắn đã dẫn đến hệ quả bán giải chấp tại các CTCK, khi dòng tiền vay ký quỹ (margin) cũng đã lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Do nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, không kịp đóng tiền để bổ sung tài sản đảm bảo đưa tỷ lệ đòn bẩy về mức quy định, các CTCK đã chủ động bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục của nhà đầu tư mà không phải hỏi ý kiến, vì vậy càng góp phần đẩy thị trường chìm sâu.
Thị trường lao dốc nhanh trong thời gian ngắn đã dẫn đến hệ quả bán giải chấp tại các CTCK, khi dòng tiền vay ký quỹ (margin) cũng đã lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Thông thường, các CTCK sẽ có hai đợt bán giải chấp trong phiên, lần đầu thường được thực hiện vào 10 giờ 30 với những tài khoản "rất căng". Đối với những tài khoản có độ căng vừa phải, các CTCK sẽ call margin (lệnh dừng ký quỹ) vào khoảng 14 giờ nếu thị trường xấu đi. Chính vì vậy mà nếu quan sát thị trường, nhà đầu tư sẽ thấy đây là hai thời điểm mà lượng cổ phiếu bị bán ra ào ạt và giảm điểm mạnh nhất.
Xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index kéo dài từ tháng 4/2020 đến nay bị bẽ gãy cũng kích thích các nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật bán ra. Ngoài ra, chỉ số này cũng đã xuyên thủng ngưỡng MA200 (đường trung bình động thể hiện xu hướng giá cổ phiếu trong 200 phiên gần nhất) mở ra khả năng về xu hướng giảm trung hạn. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đang chật vật trong giai đoạn điều chỉnh, vì vậy không hỗ trợ được cho chứng khoán Việt Nam vào lúc này.