6 bước để "tái sinh" doanh nghiệp dành cho các nhà quản trị
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 07:00, 28/04/2022
Môi trường kinh doanh hiện tại có thể được miêu tả chỉ bằng ba từ: bất định, khó lường và hỗn loạn. Chưa "hoàn hồn" sau cuộc tấn công của đại dịch Covid-19, thế giới lại tiếp nhận ảnh hưởng của cuộc xung đột địa chính trị đang diễn ra khá phức tạp kéo theo "chiến tranh lạnh" giữa các nền kinh tế lớn. Điều này gây ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường kinh doanh toàn cầu.
Doanh nghiệp được tiếp xúc với lượng thông tin phong phú, khổng lồ, nhưng đồng thời cũng bị cản trở và rối loạn khi phải đưa ra quyết định kinh doanh, nhằm bắt kịp xu hướng biến đổi khó lường của những luồng thông tin này.
Trong phạm vi hẹp, mỗi nhân sự đang đóng góp công sức cho doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những biến đổi làm đảo lộn trật tự sống, trong khi con người là nhân tố trung tâm tác động tới sự ổn định của doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng khiến các doanh nghiệp rơi vào "cơn khát" nhân sự, đặc biệt là nhân sự gắn bó và có chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, sự lên ngôi của chuyển đổi số và các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, vừa là "nguy" vừa là "cơ” với các doanh nghiệp còn đang choáng váng sau cơn đại khủng hoảng.
Sự trồi sụt của nền kinh tế trong hơn hai năm qua đang đặt ra thách thức với các doanh nghiệp muốn quay trở lại đường đua: phải thực sự thay đổi, trở thành một phiên bản vững chắc hơn hoặc dễ dàng bị đánh bay trong những xu hướng của "bình thường mới".
Những vấn đề, sự biến động này có thể lặp lại hoặc kéo dài. Tuy nhiên, sự thay đổi không quan trọng, quan trọng là nhìn rõ "cơ” và "nguy" để thay đổi mỗi ngày và thiết kế mô hình quản trị rủi ro giúp thích ứng với môi trường một cách linh hoạt.
Xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân và quá trình phân tích môi trường kinh doanh hiện tại, tôi đề xuất mô hình quản trị rủi ro 6R giúp doanh nghiệp thích ứng kịp thời và linh hoạt với những biến động nhỏ nhất từ môi trường.
Mô hình quản trị 6R bao gồm các bước thực hiện theo vòng lặp khép kín và liên tục:
1. RETHINK: Tư duy, xem xét lại về mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp khi đối mặt với khủng hoảng.
2. RESTRUCTURE: Lập kế hoạch tái cấu trúc (hệ thống, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu tài chính...) để linh hoạt hơn khi xử lý khủng hoảng.
3. RESTART: Thực hiện triển khai thí điểm mô hình tái cấu trúc trong thực tế.
4. REFRESH: Điều chỉnh văn hóa, cách đánh giá của doanh nghiệp cho phù hợp với khu vực được tái cấu trúc.
5. REACTION: Lên kế hoạch ứng phó, phản ứng nhanh với những rủi ro bất định có thể xảy ra trong quá trình tái cấu trúc.
6. REVIEW: Tổng kết, đánh giá lại toàn bộ mô hình thường xuyên và định kỳ để ra quyết định điều chỉnh hoặc làm mới kế hoạch tái cấu trúc.
Tất cả thành phần của 6R đều được bắt đầu bằng tiền tố "Re" có nghĩa là "làm lại, tái sinh một lần nữa". 6R yêu cầu nhà lãnh đạo phải xem xét lại toàn bộ mô hình của mình, thậm chí có thể quay lại từ lúc bắt đầu vận hành để tìm cách lột xác. Chấp nhận làm lại, nhìn lại để có cơ hội tái sinh, cụ thể hơn chính là tư duy lại - cơ cấu lại - khởi động lại - làm mới lại - phản ứng lại - xem xét lại.
KIDO Group là đại diện tiêu biểu đã áp dụng thành công 6R khi trở lại ngành bánh kẹo trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19, cụ thể:
1. RETHINK: Định vị sản phẩm là bánh mì tươi chuẩn 5 sao, tốt cho sức khỏe.
2. RESTRUCTURE: Phân phối đa kênh, bao gồm cả cửa hàng truyền thống, siêu thị, kênh online và chuỗi cửa hàng Chuk Chuk của hãng để "bao vây khách hàng".
3. RESTART: Bắt đầu khởi động, triển khai toàn diện tại TP.HCM trước khi vươn sang các tỉnh, thành khác.
4. REFRESH: Cải tiến văn hóa, thay đổi chính sách khen thưởng tạo động lực cho nhân viên.
5. REACTION: Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nhanh khi dịch bùng phát, phải giãn cách xã hội. Đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị.
6. REVIEW: Thường xuyên xem xét, đánh giá lại mô hình dựa trên những mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
6R không phải là một công thức cứng nhắc để các doanh nghiệp áp dụng đối phó rủi ro. 6R cung cấp cách làm có hệ thống, một phương pháp nền mà từ đó chúng ta có thể phòng ngừa được rủi ro hoặc tìm ra cách giải quyết nhanh chóng, phù hợp với doanh nghiệp trong từng thời điểm.
Với mô hình này, chúng ta sẽ luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng cho mình để chuyển đổi bất cứ lúc nào một cách hoàn toàn chủ động. Đồng thời đặt một giới hạn cho ảnh hưởng của các yếu tố bất định.
Trong bối cảnh biến động phức tạp của một thế giới ngày càng đa cực, quản trị rủi ro là lựa chọn tất yếu cho các nhà lãnh đạo để giúp doanh nghiệp tồn tại trong dài hạn. Doanh nghiệp cần liên tục xem xét và cải tiến lại hệ thống để ngày càng trở nên linh hoạt hơn, chống chịu tốt hơn, tự tạo ra vaccine để tái sinh trong mọi cuộc khủng hoảng!
(*) Cố vấn Hiệp hội PR Việt Nam VNPR, Viện Pi đào tạo PHD