Số phận kinh tế toàn cầu đang đặt cược vào Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 29/04/2022

Không phải xung đột quân sự tại Ukraine, cũng chẳng phải xu hướng các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khắp nơi đang thắt chặt chính sách trở lại, mà chính đợt phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc mới là nguy cơ lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay.

Suy giảm tăng trưởng vì đứt gãy chuỗi cung ứng

5,5% là kế hoạch tăng trưởng trong năm nay của Trung Quốc, tuy nhiên mới đây các chuyên gia phân tích đã cho rằng mục tiêu này của Bắc Kinh là không khả thi. Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm dự báo cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về 5% năm nay, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng thậm chí có thể rơi xuống 4%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/4/2022 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của nước này xuống chỉ còn 4,4%.

Là công xưởng toàn cầu và cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sự trì trệ của Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF tin rằng, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm đảm bảo chính sách Zero Covid là nguyên nhân chính kéo theo sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra đứt gãy ở nhiều nơi. 

Còn theo nghiên cứu của Đại học Trung văn Hong Kong, GDP Trung Quốc có thể mất 46 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP vì phong tỏa. Giới phân tích cũng đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế đang đối mặt, khi cho rằng các nhà đầu tư chưa đánh giá đúng về tác động của các đợt phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc.

TQ-1-3974-1651046004.jpg

Trong đó, mối lo lắng nhất chính là đợt phong tỏa vẫn đang kéo dài tại Thượng Hải - thành phố 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc, sau khi đã áp dụng biện pháp tương tự với trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở miền Nam có 17 triệu dân và Trường Xuân ở Đông Bắc với dân số 9 triệu người.

Các số liệu cho thấy, cảng tại Thượng Hải đã xử lý khoảng 20% lưu lượng hàng hóa tại Trung Quốc trong năm vừa qua, nhưng hiện nay cảng này gần như bị tê liệt. Còn các hãng bay chở hàng hóa đã hủy toàn bộ chuyến ra và vào thành phố. Hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng nhập khẩu và xuất khẩu hiện không hoạt động.

Hiện thực phẩm bị mắc kẹt trong các tàu container, không được trữ lạnh và đang dần bị hỏng. Hàng hóa phải ở lại cảng trung bình 8 ngày mới được chuyển đi nơi khác, tăng 75% thời gian so với thời điểm đợt phong tỏa mới bắt đầu. Hệ quả là việc phong tỏa đã dẫn tới tình trạng thiếu thốn lương thực và khó tiếp cận chăm sóc y tế, đồng thời cũng không đủ nhân lực tại cảng Thượng Hải.

Chính sách cứng rắn của Trung Quốc khiến nhiều nước tìm cách giảm phụ thuộc

Trong khi đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài cũng đang lo ngại hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi mà một phần ba kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải chịu phong tỏa. Thượng Hải hiện sản xuất 6% lượng hàng xuất khẩu Trung Quốc và việc các nhà máy trong và quanh thành phố đóng cửa càng khiến chuỗi cung ứng càng tắc nghẽn. 

Cụ thể, giới chuyên gia và doanh nghiệp Nhật Bản cho biết các mạng lưới logistics trong nước, vốn tập trung ở Thượng Hải - cảng lớn nhất của Trung Quốc, có thể suy yếu và ảnh hưởng rộng ra cả nước, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy, "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế giới. Theo đó, không loại trừ khả năng các nhà đầu tư quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục tìm cách chuyển dịch dòng vốn, cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào nước này.

Là công xưởng toàn cầu và cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sự trì trệ của Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu là điều có thể thấy trước. IMF tin rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm đảm bảo chính sách Zero Covid là nguyên nhân chính kéo theo sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thậm chí gây ra đứt gãy ở nhiều nơi.

Bất chấp những lo ngại, ngày 21/4/2022 vừa qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở các thành phố lớn để hạn chế đà lây lan của virus. Ông Tập cũng nói rằng nền kinh tế số hai thế giới vẫn đang đứng vững, bất chấp những lo ngại về việc phong tỏa Thượng Hải - trung tâm tài chính của đất nước - sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và kinh tế toàn cầu.

Năm 2021, GDP của Thượng Hải tăng 8,1%, đạt 4.320 tỷ nhân dân tệ, chiếm gần 30% GDP của cả Trung Quốc - vốn đạt 114.370 tỷ nhân dân tệ. Ngoại thương của thành phố này cũng đạt mức cao kỷ lục tới 4.060 tỷ nhân dân tệ (638 tỷ USD), chiếm hơn 10% tổng kim ngạch của Trung Quốc, trong khi thành phố này trở thành cảng container lớn nhất thế giới năm thứ 12 liên tiếp.

Đáng lưu ý là các chính sách hạn chế nghiêm ngặt của Trung Quốc được duy trì trong bối cảnh phần lớn thế giới đã chuyển sang sống chung với virus và dần mở cửa nền kinh tế. Theo giới quan sát, tình trạng gián đoạn sản xuất và vận chuyển kéo dài tại Trung Quốc có thể giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy nhanh quá trình giảm phụ thuộc vào sản phẩm của Bắc Kinh. 

Trong một thông báo tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo trong kịch bản xấu nhất, việc nền kinh tế toàn cầu bị "tách rời" vì chính sách phong tỏa của Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine sẽ làm giảm GDP toàn cầu thêm 5 điểm phần trăm trong dài hạn.

Gia Lê