Chuyển đối số Hải Dương: Quyết tâm hành động
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 29/04/2022
Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Theo cẩm nang chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành thì chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương pháp sản xuất... dựa trên công nghệ số. Trên cơ sở đó, bước đầu thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng như của tỉnh Hải Dương đã được lãnh đạo tỉnh xác định và triển khai một cách tự tin, quyết đoán. Nhờ vậy, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương đã được nâng cao rõ rệt. Chuyển đổi số đã không còn là yêu cầu, mà đã trở thành nhu cầu thiết thực của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân Hải Dương”.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, những ứng dụng công nghệ từ việc chuyển đổi số đã được Hải Dương áp dụng, góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh.
Nhờ chuyển đổi số với các ứng dụng công nghệ được đưa vào phục vụ sản xuất, quả vải thiều cùng một số nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương đã đem lại giá trị kinh tế cao. Trong năm 2021, quả vải thiều của tỉnh Hải Dương có doanh thu lên tới 1.478 tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2020. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang trở thành lực lượng tiên phong chuyển đổi số, qua đó nâng cao được năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở Hải Dương, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đang được quan tâm mạnh mẽ. Tại Hải Dương, đề án chuyển đổi số gồm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh, xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh, xây dựng trung tâm giám sát an ninh không gian mạng đã được triển khai giai đoạn 1 và đã có sản phẩm ứng dụng vào công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh cũng như phục vụ cuộc sống của người dân.
Từ bước chuyển đổi số ban đầu, lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định, muốn phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi số là tất yếu, phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội tăng tốc chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với phương châm này, tỉnh Hải Dương đồng thời lựa chọn con đường phát triển bao trùm là tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận hành trình chuyển đổi số và những kết quả bước đầu chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng Hải Dương và các địa phương khác cần nhìn nhận chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ mà là thêm một công cụ, một phương thức phát triển mới để giải quyết các nhiệm vụ hiệu quả hơn. Chẳng hạn, họp trực tuyến đến cấp xã qua thiết bị thông minh, đó là thêm một công cụ để giải quyết công việc ngay lập tức, giảm thời gian đi lại và chi phí, chứ không phải là thêm một cuộc họp.
“Nếu xem tiến trình chuyển đổi số là làm tăng thêm gánh nặng, thì hãy tạm dừng để xem xét, vì chắc chắn đã có điều gì đó trong nhận thức và hành động, cũng như trong thực hiện còn chưa đúng, cần điều chỉnh trước khi làm tiếp”, ông Nguyễn Huy Dũng khuyến nghị.