Trung ương làm việc với ACV để tháo gỡ vướng mắc trong công tác nhân sự
Trong nước - Ngày đăng : 03:01, 29/04/2022
Buổi làm việc của đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương với ACV |
Buổi làm việc nhằm phục vụ công tác xây dựng Đề án "Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".
Đại diện ACV đã nêu một số hạn chế trong việc thống nhất, đồng bộ giữa quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ và quản trị doanh nghiệp trong DNNN, sự phân định chưa rõ ràng trong các qui định về quy chế, chính sách quản lý DNNN; việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại DN giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn chồng chéo, trùng lập và không rõ phạm vi, chưa thống nhất tỷ lệ, giá trị (vốn điều lệ/giá trị tài sản trên báo cáo tài chính của DN).
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền, trach nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn Nhà nước trong DN còn nhiều vướng mắc, lúng túng trong xử lý các vấn đề cần có sự tham gia ý kiến của nhiều bộ khác nhau.
Bên cạnh đó, một số hạn chế về công tác quản lý cán bộ lãnh đạo, trình độ quản lý nói chung và năng lực quản trị hàng không giữa các cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đồng đều. Một số cán bộ lãnh đạo quản lý trình độ chưa cao, chưa nắm bắt và khai thác được hết các thiết bị, công nghệ sử dụng tại đơn vị cần có sự hỗ trợ từ các bộ tại cảng cấp 1.
Vì vậy, công tác quy hoạch xây dựng và đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đối với đội ngũ cán bộ trẻ kế cận và cán bộ nguồn có đủ trình độ, nhưng kinh nghiệm chưa thể đảm đương các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty là hết sức quan trọng
Ngoài ra, về công tác tuyển dụng, ACV trong thời gian qua chỉ thực hiện được việc tuyển dụng với chức danh quản lý từ cấp trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương trở xuống theo quy định của Tổng công ty. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh quản lý điều hành thông qua thi tuyển và chủ trương thuê Tổng giám đốc và các thành viên Ban điều hành chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước.
Việc tuyển dụng nhân sự từ nguồn nhân sự bên ngoài cũng gặp vướng mắc về tiêu chuẩn điều kiện liên quan đến quy hoạch, kinh nghiệm làm việc trong ngành…
Ông Lại Xuân Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT ACV cho rằng, muốn DNNN có thể cạnh tranh được với bên ngoài, thì công tác cán bộ phải linh hoạt hơn. Công tác cán bộ tại Tổng công ty do Đảng ủy lãnh đạo trực tiếp toàn diện. Tuy nhiên, do quy định pháp luật và chính sách của Đảng đều quy định chi tiết về công tác cán bộ nên có sự trùng lặp. Quy định cần bảo đảm tính dân chủ công khai minh bạch trong lựa chọn cán bộ, vì hiện nay, quy định chặt chẽ và rất khó đột phá.
“Về công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý, mà chủ yếu thông qua đánh giá doanh nghiệp, cách đánh giá hiện nay giống như buộc DNNN chỉ được thành công, không được thất bại. 10 vụ mà thắng 9 vụ lớn, thua 1 vụ nhỏ cũng là yếu kém, có khi bị kỷ luật. Điều này tạo nên tâm lý an toàn là chính, không dám nghĩ dám làm, không linh hoạt, cạnh tranh kém so với khối tư nhân. Vì vậy, DNNN không đột phá về công tác cán bộ do muốn an toàn”, ông Lại Xuân Thanh nhận định.
Ông Đậu Văn Côi - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong công tác cán bộ nếu siết chặt quy định thì các đơn vị cũng phải chấp hành, nhưng như vậy không thể phát triển được.
"Tuy nhiên, nếu tại chỗ đang đầy đủ nhân sự thì không nhất thiết phải thuê người không phải Đảng viên hay nhân sự nước ngoài về làm việc" - ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo |
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ ghi nhận nội dung phản ảnh của ACV trong quá trình xây dựng Đề án và nhận định thực tế từ ACV cho thấy vấn đề đổi mới cơ chế tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Phía quản lý Nhà nước chủ yếu làm tốt vai trò kiểm tra giám sát, còn lại đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho DNNN.
Đề án sẽ có sự phân loại doanh nghiệp chứ không cào bằng tất cả và định hướng chung khi xây dựng Đề án là đa dạng hóa phương thức và nguồn tuyển chọn, bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh, công khai minh bạch, xây dựng quy chế thu hút nhân tài trong điều kiện phân cấp phân quyền, kể cả đối với nguồn nhân lực bên ngoài, bảo đảm chức vụ điều hành quản lý DNNN.
Đội ngũ lãnh đạo quản lý quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh đó lại không được chọn nhân sự bổ sung thì rất bất cập, nên cần đẩy mạnh quyền chọn nhân sự quản lý cho DNNN. Tuy nhiên, nếu tại chỗ đang đầy đủ nhân sự thì không nhất thiết phải thuê người không phải Đảng viên hay nhân sự nước ngoài về làm việc.