Cách Tổng thống Ukraine xoay chuyển vận mệnh chính trị
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 04/05/2022
Ngày 24/2, khi những đoàn xe tăng Nga bắt đầu vượt qua biên giới vào Ukraine, thủ đô Kiev chìm trong lo sợ. Lính dù Nga ngay sau đó đổ bộ xuống Kiev với mục đích "bắt hoặc sát hại" Tổng thống Volodymyr Zelensky và gia đình ông, khiến giao tranh nổ ra trên phố, cách dinh tổng thống chỉ vài km.
Trong thời điểm căng thẳng đó, nhiều nhà phân tích quân sự và quan chức phương Tây đều cho rằng Ukraine sẽ nhanh chóng thất thủ và chính quyền của ông Zelensky sẽ sụp đổ. Mỹ đã đề nghị sơ tán Tổng thống Ukraine và đội ngũ của ông, giúp ông lập chính phủ lưu vong, có thể ở miền đông Ba Lan.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, ông Zelensky thẳng thừng từ chối đề nghị của Mỹ, tuyên bố ông cần đạn dược, không phải một hành trình tháo chạy. Tổng thống Ukraine quyết bám trụ thủ đô, thường xuyên đăng ảnh tự chụp trên đường phố Kiev để trấn an người dân. Ông cũng lệnh cho các trợ lý cấp cao, nhiều thành viên nội các và phần lớn chính phủ phải ở lại, bất chấp rủi ro.
Đó là thời khắc gắn kết quan trọng đối với chính phủ của Tổng thống Zelensky, đảm bảo các cơ quan tiếp tục hoạt động giữa khủng hoảng, đồng thời giúp xoay chuyển vận mệnh chính trị của ông.
"Trong những ngày đầu xung đột, tất cả đều bị sốc và mọi người đều phải tính đến phương án nên ở lại Kiev hay sơ tán. Nhưng quyết định của Tổng thống là không ai được rời đi. Chúng tôi ở lại Kiev và chiến đấu", Serhiy Nikiforov - người phát ngôn của Tổng thống Ukraine, chia sẻ.
Đối với phần lớn thế giới, Tổng thống Zelensky trở nên nổi tiếng thông qua các bài phát biểu bằng video được chia sẻ hàng ngày, với những thông điệp về lòng dũng cảm và ý chí kiên cường để động viên người dân chiến đấu và kêu gọi đồng minh hỗ trợ Ukraine.
Cuối tuần qua, ông Zelensky thu hút sự chú ý toàn cầu khi tiếp hai quan chức hàng đầu của Mỹ, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Kiev. Hai quan chức Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine và cho biết Mỹ đang tìm cách mở lại đại sứ quán tại Kiev.
Phía sau hậu trường, những gì ông Zelensky làm được đến nay cũng xuất phát từ khả năng vận hành trơn tru của chính phủ và thực hiện các biện pháp giúp Ukraine đối phó với cuộc chiến, theo Andrew E. Kramer, bình luận viên kỳ cựu về chính trị Nga và các quốc gia Đông Âu của NY Times.
Bằng cách nới lỏng các quy định về vận chuyển hàng hóa, chính phủ của ông Zelensky đã giải quyết được nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng ở thủ đô trong những ngày đầu xung đột. Vào tháng 3, Tổng thống Zelensky giảm thuế kinh doanh xuống 2% và sau đó cho phép chủ doanh nghiệp tự quyết định có nộp thuế hay không.
"Hãy nộp thuế nếu có thể, nhưng sẽ không ai chất vấn nếu bạn không thể làm điều đó", ông nói.
Lãnh đạo Ukraine còn kết hợp 6 đài truyền hình trước đây thường cạnh tranh nhau thành một hãng tin duy nhất, giải thích rằng việc sáp nhập là cần thiết cho an ninh quốc gia. Ông cũng thực hiện một "thỏa thuận đình chiến" với đối thủ chính trị trong nước, cựu tổng thống Petro O. Poroshenko, người mà ông từng nhiều lần tranh cãi trước khi xung đột quân sự nổ ra.
Kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2019, Poroshenko thường xuyên chỉ trích gay gắt ông Zelensky. Mâu thuẫn giữa họ không giảm bớt ngay cả khi Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới. Nhưng vào ngày Nga phát động chiến dịch, hai đối thủ chính trị đã tìm thấy tiếng nói chung.
"Tôi đã gặp ông Zelensky, chúng tôi đã bắt tay nhau", Poroshenko nói hồi tháng 3. "Chúng tôi nói rằng có thể bắt đầu lại từ đầu. Ông ấy có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của tôi, bởi bây giờ chúng tôi có chung một kẻ thù".
Volodymyr Yermolenko - tổng biên tập tạp chí về chính trị Ukraine World, đánh giá cao khả năng lãnh đạo của Tổng thống Zelensky, khi biến phong cách chính trị dân túy trước xung đột thành chính sách hiệu quả giữa khủng hoảng.
Nơi làm việc hiện tại của ông Zelensky trên phố Bankova là một không gian được bảo vệ kỹ càng với rất nhiều quân lính. Lính bắn tỉa được bố trí phía sau những bao cát xếp ở hàng lang hay cầu thang bộ. "Chúng tôi đã chuẩn bị để chiến đấu trong chính tòa nhà này", Nikiforov nói.
Xuất thân là một diễn viên hài, lãnh đạo Ukraine đã có một đội ngũ hỗ trợ trung thành từ những ngày còn làm việc trên truyền hình. Những mối quan hệ này từng bị cáo buộc là chủ nghĩa thân hữu, nhưng giờ giúp ích cho ông rất nhiều khi đội cộng sự luôn được giữ vững trong suốt cuộc xung đột.
Tổng thống Zelensky từng ký lệnh cấm hoạt động một đảng đối lập có tư tưởng thân Nga, giúp đảng Phụng sự Nhân dân của ông giành đa số ghế trong quốc hội năm 2019, cho phép ông bổ nhiệm một nội các gồm những người trung thành. Các chính phủ Ukraine trong quá khứ thường bị chia rẽ do đấu đá nội bộ và nội các do phe đối lập kiểm soát.
"Thực tế tất cả đã trở thành một tập thể lớn, rất gắn kết", Igor Novikov - một cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Zelensky, nói.
Tổng thống Zelensky thường trao đổi qua điện thoại với tướng Valeriy Zaluzhnyi, tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, nhiều lần mỗi ngày, đặc biệt vào buổi sáng, theo các trợ lý và cố vấn. Sau đó, ông sẽ họp trực tuyến buổi sáng với thủ tướng, đôi khi là các thành viên khác trong nội các, cũng như các lãnh đạo cơ quan tình báo và quân sự, theo phát ngôn viên Nikiforov.
Tuy nhiên, những bài phát biểu qua video trước quốc hội Mỹ, quốc hội Anh, quốc hội Israel và nhiều chính phủ khác vẫn là yếu tố cho thấy rõ nhất vai trò thời chiến của ông Zelensky. Quân đội Ukraine và Nga vẫn giao tranh ác liệt ở vùng Donbass, nhưng trong cuộc chiến thông tin, Kiev dường như đang giành lợi thế.
Được truyền lửa bởi những kinh nghiệm của một cựu diễn viên, các bài phát biểu của ông Zelensky đã thu hút sự ủng hộ lớn từ người dân và cộng đồng quốc tế. Một số bài phát biểu được ông thể hiện bằng khả năng hùng biện, trong khi một số khác được chuẩn bị trước.
Tổng thống Zelensky xuất hiện trên màn hình lớn khi phát biểu trực tuyến tại quốc hội Mỹ tháng trước. Ảnh: NY Times. |
Dmytro Lytvyn - nhà phân tích chính trị và cựu nhà báo 38 tuổi, được cho là người đã giúp ông Zelensky viết các bài diễn văn. Người phát ngôn Nikiforov xác nhận Tổng thống còn cộng tác với một nhà văn, nhưng từ chối tiết lộ danh tính.
Orysia Lutsevych - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chatham ở London, cho rằng phong cách cá nhân cùng khả năng hùng biện, thuyết phục là điểm mạnh trong năng lực chính trị của Tổng thống Zelensky. "Ông ấy luôn tỏ ra đồng cảm, biết cách kết nối với mọi người", Lutsevych nói. "Đó là lý do ông ấy thành công trong chính trị".
Đánh giá về năng lực chính trị của Zelensky trước và sau khi chiến sự nổ ra, Valentyn Gladkykh, nhà phân tích chính trị ở Kiev, cho rằng Tổng thống Ukraine đã tìm cách biến mình thành một lãnh đạo thời chiến, thu phục sự ủng hộ của mọi tầng lớp để phục vụ mục đích lớn nhất là đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
"Chưa một tổng thống Ukraine nào trước đây từng phải đối mặt với một chiến dịch quân sự quy mô lớn như vậy trên lãnh thổ", Gladkykh nói. "Trước mối đe dọa chưa từng có tiền lệ, Zelensky đã thể hiện được những gì tốt nhất của mình để xoay chuyển tình thế".
(Theo VnExpress)