Nguyên phụ liệu ngành may mặc, da giày: Làm sao giảm phụ thuộc Trung Quốc?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:47, 10/05/2022
Gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu
Do chính sách Zero Covid, Trung Quốc phong tỏa nhiều nơi, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất bị đình trệ, làm ách tắc chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Các đơn hàng cần nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc về không kịp, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiều DN Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Trung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giày Gia Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: "Đơn hàng của công ty tôi bị trễ khá nhiều. Nhiều đơn hàng giao trong tháng 4 phải kéo sang cuối tháng 5. Với những khách hàng khó tính, chúng tôi bị phạt do trễ hợp đồng. Có những khách hàng thương lượng được thì họ cắt bớt đơn hàng của mình".
Theo ông Trung, hiện Giày Gia Định chỉ sản xuất được 80% công suất vì thiếu nguyên phụ liệu, hoặc nguyên liệu về quá chậm. Dù chưa ước tính được số lượng đơn hàng trễ, nhưng ông khẳng định DN bị thiệt hại khá lớn.
Công ty TNHH May mặc Dony - DN may gia công cho các công ty có nguồn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, cũng thiếu nguồn cung hai tuần đầu tháng 4/2022. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony cho biết, việc gián đoạn nguồn nguyên phụ liệu khiến các DN chuyên may gia công gặp nhiều khó khăn khi tìm nguồn hàng mới thay thế. Tìm được nguồn nguyên phụ liệu mới nhưng không đáp ứng được yêu cầu sản phẩm thì cũng thất bại.
Bà Huỳnh Thị Hoàng Ánh - đại diện Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Anh Trung chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động chia sẻ: "Từ Tết Nguyên đán đến giờ, Anh Trung không nhập hàng theo đường tiểu ngạch được, còn chính ngạch bằng tàu biển thì thường xuyên bị trễ.
Tôi nhập lô hàng từ trước Tết nhưng giao trễ đến gần hai tháng nên có mấy đơn hàng phải hủy, đền hợp đồng. Đơn hàng tôi mới nhập, hàng ra đến cảng 20 ngày rồi vẫn chưa đi và không biết khi nào mới nhận được. Đó là nguyên phụ liệu để thực hiện các đơn hàng giao vào cuối năm nay. Bình thường khách đặt hàng, tôi sẽ nhập nguyên phụ liệu và hẹn giao hàng trong vòng một vài tháng, còn bây giờ nhận một đơn hàng, tôi phải hẹn đến cuối năm mới giao. Những đơn hàng nào không có vải, không có nguyên phụ liệu thì chúng tôi phải hủy".
Việc gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đẩy phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng 20-30%. Bà Hoàng Ánh thừa nhận công ty không dám nhận đơn hàng vì không đảm bảo đủ nguồn nguyên phụ liệu.
Để giải quyết thiếu thốn trước mắt, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Việt Á Châu phải chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Tổng giám đốc Việt Á Châu cho biết: "Trước đây, một container hàng đi từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc về Việt Nam chỉ mấy trăm USD thôi, giờ phải trả tiền vận chuyển mấy nghìn USD. Hiện công ty tôi không dám nhận đơn hàng nữa. Giá đầu vào tăng mà giá đầu ra không được tăng, đẩy DN vô thế hoạt động không hiệu quả".
Giải pháp
Nhiều DN Việt Nam chưa thể chủ động nguồn nguyên phụ liệu, còn tìm nguồn cung mới cũng không thể trong một sớm một chiều, do đó vẫn phải phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ: "Nguyên liệu gốc để sản xuất ra nguyên phụ liệu khác, trong nước không có, thành ra bắt buộc phải nhập". Còn ông Nguyễn Chí Trung nhận định: "Hiện nay, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được phần nào thôi và có một số mặt hàng trong nước không sản xuất được mà phải nhập từ Trung Quốc. Chúng tôi đang tìm thêm nguồn cung nhưng phần nhiều nguyên phụ liệu của thế giới đều sản xuất ở Trung Quốc, các nguồn cung cấp khác có nhưng giá cao, mình không chịu được mức giá đó vì sẽ lỗ. Bên cạnh đó, có một số đơn hàng, khách hàng chỉ định nhà cung cấp nguyên phụ liệu nên cũng không thể nói mình muốn là được. Chưa kể, bây giờ mới chuyển sang tìm, đặt hàng nguồn cung mới cũng phải có thời gian cho nên khó đáp ứng đơn hàng trước mắt".
Ông Phạm Quang Anh lý giải, nguyên phụ liệu trong ngành may mặc có thể nhập từ Ấn Độ, Pakistan nhưng thị trường Trung Quốc vẫn có ưu thế đa dạng về mẫu mã và giá thành rẻ hơn. Thời gian vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam lại nhanh hơn nhiều so với việc nhập từ các thị trường khác.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM nhận định, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan, Hàn Quốc, thậm chí ở châu Âu cũng có, lại được lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhưng giá cao nên sản xuất sẽ lỗ hoặc không có lãi.
Nguồn cung nội địa chưa đáp ứng được, thậm chí có sử dụng nguồn cung trong nước thì nguyên liệu gốc vẫn phải nhập từ Trung Quốc, còn nguồn cung các nước khác thì giá lại quá cao. Do đó, hiện các DN chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách ứng phó tạm thời. Bà Huỳnh Thị Hoàng Ánh bộc bạch: "Đây là khó khăn chung của DN. Tôi cũng hỏi các công ty khác xem họ có tồn nguyên liệu mình cần để nhờ chia sẻ nhưng cũng là giải pháp tạm thời. Bình thường, công ty tôi nhập nguyên phụ liệu khoảng 100-200 triệu đồng một đơn hàng cho hai tháng sản xuất để không bị chôn vốn. Bây giờ tôi phải nhập 700-800 triệu đồng để có hàng về sản xuất trong 6 tháng".
Ông Nguyễn Chí Trung đề xuất: "Để không bị động về nguyên phụ liệu, không có cách nào khác là phải chủ động sản xuất trong nước, mà muốn làm được điều này phải có chiến lược đầu tư và cần sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về mặt bằng, thuế, lãi vay thì DN mới làm được".
Đánh giá việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết: "Tôi kiến nghị phải có nguồn nguyên liệu cho ngành da giày nhiều năm rồi. Tôi biết Bộ Công Thương cũng có chủ trương này nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nước ta đã có vài DN nhập nguyên liệu gốc về để sản xuất phụ liệu cho ngành da giày nên Hội Da giày TP.HCM khuyến khích họ làm sao chủ động được nguyên liệu gốc của Việt Nam và họ đang cố gắng".
Ông Khánh khuyến nghị các DN sản xuất nguyên phụ liệu chấp nhận lời ít để có giá thành phù hợp nhằm khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước nhiều hơn. Các DN cũng cần thỏa thuận với đối tác để gia hạn thời gian giao hàng. Ông cho biết, Hội Da giày TP.HCM đang nỗ lực tìm giải pháp để hạn chế lệ thuộc nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nhằm chủ động sản xuất, kinh doanh.