TP.HCM đề xuất quyền quyết định số lượng nhân sự đơn vị sự nghiệp công lập
Trong nước - Ngày đăng : 02:58, 10/05/2022
Sáng 10/5/2022, HĐND TP.HCM có buổi giám sát UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 25/2017 của HĐND TP.HCM về triển khai Nghị quyết 54. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát.
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú cho biết, Nghị quyết 54 được thực hiện có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho thành phố, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.
Cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao sự hài lòng đối với cơ quan, tổ chức của thành phố. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để thành phố được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.
Tại buổi giám sát, UBND TP.HCM đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung. Trong đó, TP.HCM kiến nghị Quốc hội tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2023-2025 như năm 2022. Từ đó, tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Theo UBND TP.HCM, vừa qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố năm 2022 từ 18% lên 21%. Đây là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2022-2025. Cũng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét khi giao kế hoạch vay hằng năm cho TP.HCM thì cho phép thành phố được chủ động điều chuyển nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong quá trình điều hành, đảm bảo trong tổng mức vay và mức bội chi ngân sách địa phương được giao.
Về cơ chế ủy quyền, TP.HCM kiến nghị mở rộng phạm vi ủy quyền lớn hơn so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Cụ thể: “Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND cùng cấp, người đứng đầu đơn vị sự công lập thuộc UBND cùng cấp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”.
Đáng chú ý, về biên chế, số lượng người làm việc, TP.HCM đề xuất Quốc hội xem xét cho phép thành phố có thẩm quyền quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, UBND TP.HCM được quyền trình HĐND TP.HCM quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, UBND TP.HCM có thể căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tiễn và ngân sách thành phố được phép bố trí tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân; trình HĐND TP.HCM quyết định tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn ngoài số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ.
UBND TP.HCM còn đề xuất xem xét cho thành phố được thực hiện một số nhiệm vụ theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định mà không phải lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ - ngành liên quan. Cụ thể, HĐND TP.HCM được quyết định các chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố.
UBND TP.HCM được quyền quyết định và phê duyệt cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; quyết định chỉ tiêu và tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; quyết định chỉ tiêu và tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng III lên hạng II; bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với công chức và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng I đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý”.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức; kiến nghị ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời kiến nghị các nội dung về chính sách tăng thu nhập; tuyển dụng công chức, viên chức.