Tỷ giá tăng có thực sự đáng ngại?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:03, 11/05/2022

Sau khi giảm 40 đồng trong tháng 3, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng trở lại đúng 40 đồng trong tháng 4 vừa qua, dù so với thời điểm đầu năm vẫn còn giảm 5 đồng, tương đương giảm 0,02%.

Tăng mạnh trong tháng 4

Giới phân tích gần đây cho rằng tiền đồng sẽ chịu nhiều áp lực mất giá hơn trong thời gian còn lại của năm nay, giữa bối cảnh đồng USD vẫn đang leo dốc lên mức cao nhất trong nhiều năm qua trước ảnh hưởng chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chính cuối tuần rồi đã leo lên đỉnh cao nhất trong gần 20 năm qua tại mốc 104 điểm. Chỉ số này đã tăng hơn 15,5% trong vòng một năm qua và tăng hơn 8,3% nếu tính từ đầu năm 2022 cho đến nay. 

Bất chấp sự phục hồi kinh tế mỏng manh của Mỹ khi GDP nước này bất ngờ ghi nhận sụt giảm quý I đầu năm nay, cũng như lạm phát tăng vọt tại nền kinh tế số một thế giới này trong thời gian gần đây, giới đầu tư đang tiếp tục chạy vào đồng USD như một tài sản trú ẩn an toàn giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang và nỗi lo về các cuộc xung đột quân sự.

Ngoài ra, việc FED có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn cũng đang hỗ trợ đà tăng giá cho đồng bạc xanh. Mới đây nhất trong cuộc họp đầu tháng 5 này, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,5%, đánh dấu lần nâng thứ hai trong năm nay, đồng thời báo hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán. 

Song hành cùng đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế và tỷ giá trung tâm, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng trong nước cũng tăng thêm 120-140 đồng so với tháng trước, nâng mức tăng so với đầu năm nay lên xấp xỉ 200 đồng. Chênh lệch mua bán tại các ngân hàng hiện nay cũng nới rộng ở mức lên đến 280-300 đồng.

Trong khi đó, giá mua bán USD trên thị trường tự do thậm chí còn tăng mạnh hơn, với mức tăng xấp xỉ 180 đồng trong tháng 4, đặc biệt đà tăng mạnh chủ yếu diễn ra trong tuần cuối cùng của tháng. Trong những ngày đầu tháng 5, giá USD tự do tiếp tục leo dốc khi có thời điểm tăng thêm 80 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra so với cuối tháng trước.

Việc tỷ giá chịu áp lực trở lại trong những ngày qua, dù cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bị mất cân bằng, đang mang lại không ít lo ngại. Trong bối cảnh lạm phát đang leo thang trên khắp toàn cầu, giá nhiều loại hàng hóa tăng vọt, nếu tỷ giá tiếp tục tăng mạnh sẽ khiến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra càng gặp thêm nhiều thách thức. Dù vậy, với nguồn cung ngoại tệ vẫn giữ được sự ổn định, kỳ vọng áp lực này sẽ sớm qua đi.

Chỉ số USD Index đã leo lên mức cao nhất từ năm 2002 đến nay (Nguồn: investing.com)

Chỉ số USD Index đã leo lên mức cao nhất từ năm 2002 đến nay (Nguồn: investing.com)

Không cần quá lo lắng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau khi thâm hụt thương mại hàng hóa trong hai tháng đầu năm, tháng 3 và tháng 4 đã chứng kiến xuất siêu mạnh mẽ trở lại, giúp hoạt động thương mại ghi nhận xuất siêu lũy kế 4 tháng đầu năm đạt mốc hơn 2,5 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 1,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại tệ giải ngân từ hoạt động đầu tư nước ngoài cũng duy trì sự tăng trưởng. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm các năm 2018-2022. Dù vậy, việc dòng vốn đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,81 tỷ USD, sụt giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước, là một tín hiệu chưa tích cực.

Ở hoạt động kiều hối, số liệu công bố gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM - địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhất về lượng tiền kiều hối, cho thấy đã có gần 1,8 tỷ USD kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I đầu năm nay, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối này bằng gần 25% lượng kiều hối chuyển về trong cả năm ngoái, được ghi nhận là cao kỷ lục 7,1 tỷ USD, vượt mọi dự đoán trước đó.

Áp lực lớn nhất lên thị trường ngoại hối trong nước thời gian tới có lẽ vẫn đến từ xu hướng mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế. Thị trường hiện dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất quyết liệt trong những tháng tới, với khả năng nâng 75 điểm cơ bản trong tháng 6/2022.

Tuy nhiên, quá khứ cũng cho thấy trong các giai đoạn đồng USD tăng giá mạnh và các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là đồng CNY, giảm giá mạnh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, bất chấp NHNN thực thi chính sách tỷ giá ổn định. Đây là cơ sở để NHNN tiếp tục thực thi chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, việc Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về tiền tệ cũng hàm ý rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu để tránh việc bị áp các rào cản thương mại như thuế quan, hạn ngạch... Thực trạng xuất khẩu của Trung Quốc những năm gần đây cho thấy, các lợi ích có được đối với xuất khẩu nhờ phá giá tiền tệ sẽ không thể đủ để bù đắp các thiệt hại mà thuế quan, hạn ngạch gây ra.

Anh Khoa