FED tăng lãi suất: Động lực và hệ quả
Quốc tế - Ngày đăng : 06:04, 11/05/2022
Hành động gấp
Ngày 5/5/2022 vừa qua, FED đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, lên vùng 0,75-1%, đánh dấu đợt nâng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2000.
Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm nay, sau đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm đã diễn ra vào tháng 3 đầu năm nay. Cùng với việc nâng lãi suất, FED phát tín hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán, cụ thể kể từ ngày 1/6/2022 tới, sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng. Sau ba tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản |
Chính sách này diễn ra trong bối cảnh lạm phát liên tục leo thang tại Mỹ trong những tháng gần đây, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng đến 8,5%, mức cao nhất trong 40 năm qua, hệ quả từ việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu tiêu dùng bùng nổ sau khi phong tỏa được gỡ bỏ tại Mỹ. Tuyên bố của FED nhấn mạnh tới chính sách Zero Covid của Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong phiên họp báo sau cuộc họp của FED, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết: "Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi đang hành động khẩn trương để kìm hãm lạm phát".
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cơ quan này báo hiệu sẽ còn thêm nhiều đợt nâng lãi suất trong thời gian tới với khả năng nâng 75 điểm cơ bản trong tháng 6/2022.
Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ nâng lãi suất lên 3-3,25% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Powell chia sẻ rằng, quan điểm chung của FED là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp, nhưng cũng cho biết hiện FED chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Hệ quả không mong muốn
Trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED, nền kinh tế nước này có thể sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Khi lãi suất tăng, chi phí lãi vay sẽ gia tăng trong khi các ngân hàng cũng chặt chẽ hơn trong việc cung cấp khoản vay. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh sản xuất, cũng như nhu cầu tiêu dùng ở khu vực tư nhân. Cụ thể, lãi suất trung bình của các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm đã leo lên mức 5,1% vào tuần cuối tháng 4, tăng mạnh so với mức dưới 3% hồi tháng 11 năm ngoái.
Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED sẽ còn lan ra khắp thế giới, khi có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ và phải bán tài sản công cho các nhà đầu tư Mỹ.
Trong hai năm qua, lãi suất thấp kỷ lục đã mang lại đà tăng đáng kinh ngạc cho thị trường chứng khoán, nhưng giờ đây mọi thứ đang thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 5/5/2022, chỉ số Dow Jones mất 1.063 điểm, tương ứng 3,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite sụt gần 5%%, còn 12.317 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED sẽ còn lan ra khắp thế giới, khi có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ và phải bán tài sản công cho các nhà đầu tư Mỹ, như cơ sở hạ tầng, các nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai... để có được các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mới đây, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhiều quốc gia sẽ cần được giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ sau khi nợ công tăng cao trong đại dịch.
Cụ thể, khi lãi suất tăng ở Mỹ hoặc các nền kinh tế tiên tiến khác, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều đó gây áp lực lên các nền kinh tế cần vốn để đầu tư, đồng thời làm suy yếu đồng nội tệ. Hiện nhiều nền kinh tế đang bắt đầu đối mặt với nguy cơ rơi vào trạng thái thâm hụt ngân sách do các dòng vốn đầu tư tháo chạy, cũng như giá dầu, thực phẩm tăng cao và nợ nước ngoài ngày càng nhiều.