Nhiều quốc gia tích trữ lương thực trước nguy cơ khủng hoảng
Quốc tế - Ngày đăng : 06:03, 11/05/2022
Do tác động của cuộc chiến Ukraine, Đức không phải là quốc gia đầu tiên tăng cường tích trữ nhiều mặt hàng trong thời gian qua.
Việc một loạt nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực và thực phẩm, khiến giá cả các mặt hàng này càng tăng cao hơn.
Cụ thể, Ukraine đã hạn chế xuất khẩu dầu hướng dương, lúa mì, yến mạch và gia súc nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá. Nga đã cấm xuất khẩu phân bón, đường và ngũ cốc. Indonesia - nước sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ trên thế giới, cũng tạm cấm xuất khẩu mặt hàng dầu này hồi cuối tháng 4. Thổ Nhĩ Kỳ dừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, bắp và dầu thực vật.
Đây là hệ quả tất yếu khi mà cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga, cùng với việc các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa, đang khiến gần 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 18% xuất khẩu ngô và hơn 70% xuất khẩu dầu hướng dương bị chặn lại. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay dự báo có thể tiếp diễn trong 12-18 tháng tới, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu và những hậu quả chính trị ở một số quốc gia.
Cuộc khủng hoảng này cũng làm gia tăng xu hướng đầu cơ tích trữ hàng nông sản, khiến giá cả tăng mạnh. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 3/2022 đạt mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1990, tăng hơn 17% so với tháng 2, trước khi giảm trở lại trong tháng 4 vừa qua nhờ giá dầu thực vật và ngũ cốc giảm. FAO ước tính sẽ có hơn 800 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn, chủ yếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực phía Nam sa mạc Sahara.
Có thể thấy chiến sự ở Ukraine đã mở ra một làn sóng bảo hộ mới khi các chính phủ tìm biện pháp đảm bảo lương thực và các hàng hóa khác cho người dân, bằng cách tổ chức lại thị trường và dựng lên các rào cản mới để ngăn chặn xuất khẩu. Đơn cử như Argentina đã công bố áp thuế đối với xuất khẩu khô dầu đậu nành. Nga đã chặn các chuyến hàng ngũ cốc và đường đến Belarus và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Theo tính toán, trong ngắn hạn, nguồn lương thực dự trữ có thể giúp giải quyết nạn đói tạm thời. Nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của tất cả các bên.
Rõ ràng an ninh lương thực không nên chỉ dựa vào thị trường nội địa và nỗ lực tự chủ hoặc tự cung tự cấp của mỗi quốc gia hoặc khu vực. Các thị trường quốc nội chỉ nên đóng vai trò bổ sung cho nhau để tạo nên một thị trường quốc tế bình ổn đối với các mặt hàng nông sản cơ bản.
Gần đây, FAO chống đầu cơ bằng cách khuyến khích tính minh bạch trong dự trữ ngũ cốc. Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế đã tự đặt nhiệm vụ đầu tư vào các quốc gia có thể gặp khó khăn. Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hy vọng sẽ thiết lập "một tổ chức, một hệ thống và một cơ chế điều phối" với sự hợp tác của G7 trước cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, việc triển khai và thành công của chương trình còn phụ thuộc vào sự tham gia của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), như Ấn Độ và Trung Quốc - những nước có trữ lượng ngũ cốc lớn hàng đầu thế giới.