Nghệ sĩ, nhà giáo dục Thanh Bùi: "Nghệ thuật là một phần của giáo dục, giáo dục phải có nghệ thuật"

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 12/05/2022

Quyết định "buông" nước Úc trở về Việt Nam chỉ để trả lời câu hỏi: "Mình là ai?". Hơn 10 năm trở về và bắt đầu con đường giáo dục, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Embassy Education Thanh Bùi đã "chạm" tay đến hạnh phúc khi được gọi hai chữ "thầy ơi" như anh từng mong. Và Thanh Bùi đã biến hình ảnh một nghệ sĩ thành một nhà giáo dục với tư duy "giáo dục sáng tạo phải bắt đầu càng sớm càng tốt".

* Anh có thể giải thích vì sao lại là giáo dục sáng tạo (GDST) và GDST càng sớm lại càng tốt?

- Nghệ  sĩ, nhà  giáo  dục Thanh Bùi:  GDST là điều quá cần thiết và quá thiếu trong xã hội Việt Nam hiện nay. Một thực tế là hai năm qua, khi Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi, sáng tạo mô hình mới thì sống sót và duy trì được hoạt động, trong khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không chịu thay đổi. 

Thanh có hai đứa con, khi dịch Covid-19 xảy ra, Thanh cũng tự hỏi sẽ phải giáo dục cho con thế nào trong một tương lai mà chưa biết sẽ ra sao? Và Thanh thấy mình quá may mắn khi được học bổng vào học các trường giỏi nhất ở Úc và ở đó, họ không dạy cho Thanh học toán giỏi hay tiếng Anh giỏi, vì họ nói đó là điều cơ bản nhất có thể, nhưng cái cách mình sử dụng kiến thức, thông tin đó như thế nào để mình ráp lại những kiến thức, thông tin đó thành những mô hình khác biệt và phù hợp cho hôm nay và ngày mai, thì nó rất cần sự sáng tạo. 

* Theo anh, khái niệm giáo dục nên hiểu thế nào? 

- Giáo dục cho thế hệ tiếp theo là không ép con theo hướng nào hết mà phải cho con thử tất cả mọi thứ, đừng đánh giá môn học nào hơn môn nào mà phải đánh giá tất cả môn học như nhau. Phải thay đổi tư duy của các phụ huynh là giáo dục để con trở thành phiên bản đúng nhất, đẹp nhất của con, cho phép con theo đuổi giấc mơ và được sống ước mơ của con thông qua đôi mắt của con chứ không phải của người lớn. Vì chỉ có thế con mới hạnh phúc.

Trở lại câu hỏi tại sao lại sáng tạo? Vì khi sáng tạo thì con sẽ không sợ ngày mai. Con sẽ biến điều lo sợ không biết ngày mai thế nào thành động lực để vượt qua khó khăn. Và sáng tạo cho con mở ra tư duy. Sáng tạo sẽ không làm cho con bị rập khuôn và sáng tạo sẽ kích thích con phải học mỗi ngày.

anh2-9325-1652237934.jpg

* Nhưng nhiều phụ huynh lại cho rằng, trẻ ở hệ mầm non thì chưa cần đầu tư nhiều cho giáo dục?

 - Đó là tư duy rất... sai. Khi tìm hiểu vào sâu về giáo dục Việt Nam, Thanh nhận thấy đa số phụ huynh đều cho rằng tuổi mầm non từ 2- 6 tuổi là còn quá nhỏ, chưa biết gì nên đầu tư cho con thời điểm này chưa cần thiết. Thế nhưng, khoa học đã chứng minh trẻ em từ 2-6 tuổi thì 90% não đang phát triển và đây là thời điểm vàng để trẻ tiếp thu nhiều điều mới mẻ xung quanh cùng trí tưởng tượng, sáng tạo. Từ 6 tuổi trở lên, trẻ sẽ rất khó để thay đổi tư duy. Vì thế, giáo dục sáng tạo phải bắt đầu từ hệ nhỏ nhất có thể.

* Anh nói chỉ khi có con mới bắt đầu nghĩ đến kinh doanh giáo dục, nghĩa là kinh doanh bột phát theo... nhu cầu, lại là nghệ sĩ, hẳn là anh gặp nhiều khó khăn?

- Không quá khó khăn vì khi 18-19 tuổi, Thanh đã đi dạy toán, âm nhạc ở Úc để kiếm sống và đó là nghề của Thanh và nó đã nuôi được đam mê âm nhạc của Thanh. Tại Úc, Thanh cũng đã sáng lập hệ thống trường nghệ thuật và cũng có 400-500 học trò. Tuy nhiên khi về Việt Nam, Thanh bắt đầu sự hiện diện của mình qua hình ảnh là một ca sĩ, nhạc sĩ nên mọi người biết đến Thanh ở vai trò này mà thôi.

* Dù từng kinh doanh ở Úc nhưng với môi trường mới là Việt Nam, anh có bị bỡ ngỡ...

- Thanh sinh ra và lớn lên ở Úc nên Việt Nam với Thanh như một tờ giấy trắng. Ngày trở về, Thanh không biết mình là ai, không hề biết gì về đất nước. Cái gì mới mà nói không bỡ ngỡ là... nói xạo (cười). Và khó khăn lớn nhất của Thanh lúc đó là sốc về văn hóa. Và Thanh vượt qua điều đó bằng cách thay đổi tư duy. Thanh nghĩ: "Trước khi muốn ai hiểu mình thì mình phải hiểu mọi người trước". Với tư duy đó, Thanh đã thay đổi và đầu tiên là phải nói tiếng Việt tốt nhất có thể. Thanh đã học nói, học nghe, học giao tiếp mỗi ngày. Đến bây giờ, Thanh đã hiểu hết cả những từ địa phương, thậm chí ai đó "chơi chữ" với Thanh bằng những câu nói lóng hay nghĩa đen, Thanh cũng "chấp luôn", kiểu gì Thanh cũng "chơi được" (cười).

Điều thú vị là khi Thanh hiểu hết được tiếng Việt và có thể chia sẻ sâu hơn với mọi người về triết lý giáo dục, cuộc sống... thì sự kết nối của Thanh với mọi người khác hẳn, nó tốt lên rất nhiều. Tiếng Việt rất phong phú, nó làm cho trí tuệ và tâm hồn con người Việt Nam và bản thân Thanh cũng phong phú, bay bổng, dễ biểu cảm và đa sắc màu hơn nên đó cũng là động lực để Thanh cứ phải khám phá, cứ phải học..

* Còn gì gọi  là khó nữa không?

- Nhiều lắm. Đơn cử như việc đem các chương trình giáo dục quốc tế về Việt Nam cũng không đơn giản vì mình không thể áp dụng mô hình này ở Việt Nam ngay lập tức vì có nhiều thứ khác, văn hóa khác, môi trường giáo dục khác, thói quen học tập khác, khí hậu khác... đặc biệt là tư duy cũng khác. Có những cái mình nghĩ nó quá bình thường thì nó lại không bình thường.  

Ví dụ, ở phương Tây, việc một người Tây không học tiếng mẹ đẻ là không bao giờ có và làm mất tiếng mẹ đẻ là điều tối kỵ và bị đánh giá rất thấp, nhưng một số người Việt Nam thì vẫn sẵn sàng mất gốc, hoặc cho con em đi du học từ nhỏ hoặc vào trường quốc tế để học tiếng nước ngoài, để rồi có nhiều em tuy sinh ra ở Việt Nam, gốc Việt 100% nhưng nói tiếng Việt không rành và phát âm ngọng nghịu như trẻ nước ngoài nói tiếng Việt. Đó là sự nguy hiểm.

Hay cũng có nhiều học sinh luôn nghĩ mình dốt vì không giỏi toán, lý hay các môn tự nhiên. Trong khi tại một xã hội phát triển, không phải ai giỏi toán cũng là người giỏi. Ở nước ngoài, trẻ em học âm nhạc, nghệ thuật, thể thao từ chính sách của chính phủ và bắt buộc phải học. Nhưng tại Việt Nam thì chỉ là môn học có cũng được và không cũng được.

* Nghe nói có thời gian anh đã tính bỏ cuộc?

- Đó là năm thứ hai Thanh về Việt Nam. Lúc đó, Thanh thấy mọi thứ quá khó. Thanh không thể hiểu và cũng không thể trả lời được câu hỏi: "Tại sao bị sai, tại sao như thế này, tại sao cái gì cũng khó quá, tại sao mọi người khá đố kỵ và tiêu cực, làm việc nhóm ít hiệu quả, rất cá nhân, không đoàn kết, thông hiểu dù cố gắng mấy cũng không thể...".

 * Vậy động lực nào để anh ở lại và tiếp tục?

 - Đó là phải tìm được động lực. Thanh nghĩ nếu chỉ một mình Thanh "buông" Úc để về Việt Nam thì đất nước ấy cũng sẽ không ảnh hưởng, tổn thất gì. Nhưng khi Thanh mang hết kinh nghiệm, sự từng trải, vốn sống và năng khiếu có được về Việt Nam và tập trung, dành tâm huyết đầu tư cho nó thì sẽ mang lại sự ảnh hưởng rất lớn cho nhiều người và cho đất nước. Hơn nữa, ở bất cứ đất nước nào đang trong giai đoạn phát triển, khó khăn cũng là đương nhiên. Và đi qua giai đoạn này, mọi thứ sẽ ổn và phát triển theo hướng thẳng.

anh-3-9531-1652237934.jpg

* Và 10 năm sau, anh đang bắt đầu thấy được điều đó...

- Đúng. Thanh nghĩ Thanh đã là người Việt Nam và mong muốn Việt Nam phải vươn lên. Và khi có con, Thanh quyết định con của mình phải ở Việt Nam, đi học ở đây để con phải biết "mình là ai" chứ không như Thanh ngày xưa khi về Việt Nam vẫn không biết mình là ai. Khi con người không biết họ là ai thì rất nguy hiểm...

Thanh cũng không chấp nhận con mình phải học và sống trong môi trường học quốc tế mà số lượng học sinh Việt Nam chỉ là số ít. Ở môi trường mà số đông học sinh và thầy cô giáo là người nước ngoài thì việc học sinh người Việt luôn sai là chuyện bình thường. Có lẽ, mọi người sẽ không hiểu hết nhưng với Thanh là người từng sống trong môi trường đó thì Thanh không thể chấp nhận con mình sẽ lại như Thanh ngày xưa.

Đến bây giờ, Thanh luôn tự hào là người Việt Nam, đang sống ở đây, hiểu được tư duy của người nước ngoài và cả tư duy của người Việt Nam, nên Thanh khác biệt hơn so với rất nhiều người ở các nước đang mong muốn đến Việt Nam để làm ăn và tìm cơ hội.

Thanh cũng vô cùng cảm ơn ba mẹ vì đã giữ được nguồn gốc Việt cho Thanh. Khi còn ở bên Úc, hằng ngày Thanh có thể nói ngôn ngữ của người bản xứ ở ngoài đường và trường học, nhưng khi về nhà, Thanh vẫn phải khoanh tay, dạ thưa cha mẹ và nói tiếng Việt trong gia đình theo truyền thống văn hóa Việt Nam. 

* Có nhiều người khi đầu tư vào giáo dục lại rất ngại gọi là kinh doanh giáo dục, anh thì sao?

- Đúng là khi nói về tiền, nhiều người... ngại ngại, nhưng Thanh là người làm tài chính, kinh doanh nên Thanh có cái nhìn khác và xem đó chỉ là phương tiện. Khi mình kinh doanh bài bản và có trách nhiệm với sản phẩm của mình và đối tượng của mình thì không có gì phải ngại. Thực tế là mình phải trả lương cho nhân sự, phải trả tiền điện, nước cơ sở hạ tầng và rất nhiều chi phí khác nữa để vận hành. Nhưng Thanh mong khi  làm giáo dục thì đặt giáo dục ở giữa mọi việc chứ không phải là kinh doanh. Thực tế hiện nay, nhiều người đang đi theo xu hướng kinh doanh giáo dục hơn là làm giáo dục. Thanh nghĩ, kiếm tiền là việc bình thường nhưng cách làm phải đúng và phải có cốt lõi.

* Trên hành trình giáo dục, có vấp, có tiến, có lùi... Vậy điều gì anh đúc kết được từ những vấp váp, tiến, lùi đó?

- 10 năm qua, Thanh từng đi hai bước, rồi té, rồi ngã, rồi lùi mười bước, rồi lại bước lên và có rất nhiều khó khăn, thử thách. Và bài học Thanh rút ra là sẵn sàng fail (thất bại). Ngày xưa Thanh có nỗi sợ rất lớn là sợ mình không thành công, nhưng rồi đã hiểu "muốn thành công phải thử, phải chấp nhận thất bại và quan trọng là người thành công sẽ biết đứng dậy thế nào". 

Khi đã trải qua hết sóng gió, Thanh thấy mình càng ngày càng đầm hơn, hiểu mình, nhìn mọi vấn đề chỉ như hạt cát và thấy mọi thứ xung quanh nhẹ nhàng hơn. Ngày trước do mình quá tâm huyết với công việc và cũng quá chỉn chu, cầu toàn nên khi lãnh đạo, Thanh chưa đủ thoáng cho mọi người. Nhưng một ngày nhận ra, nếu mình tiếp tục lãnh đạo theo hướng này sẽ không thể phát triển lớn hơn được, quan trọng là còn phải có sức khỏe để đi tiếp, tiếp tục sáng tạo và làm nhiều việc khác nữa. Thế là "buông". Sau này Thanh vẫn nói với nhân viên: "Làm sếp phải biết lúc nào mình đúng, lúc nào mình sai và nhiều lúc cũng cần phải buông và sẵn sàng nhìn lỗi".

10 năm qua, Thanh đã chứng kiến rất nhiều người bỏ cuộc, nhưng Thanh đã không bỏ cuộc và sẽ không bao giờ bỏ cuộc mà tiếp tục rèn luyện những gì mình cần phải rèn luyện.

* Được biết anh rất tâm đắc câu "Trong thế giới phẳng, chỉ có sự khác biệt mới tạo ra đặc biệt". Anh có thể chia sẻ sâu hơn ý nghĩa của câu nói này?

- Trong thế giới phẳng, con người ngày càng có nhiều điều kiện hơn thì ai cũng được tiếp cận với những cái đang có và trong một thế giới ai cũng như nhau thì sự sáng tạo sẽ mang đến cho mỗi người một khí chất riêng, khác với người khác.

Lấy ví dụ, ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như MIT, Stanford, Harvard... hằng năm, họ chỉ chọn 3,18% trong tổng số hồ sơ nộp vào, trong khi có đến 70% hồ sơ đều đạt thành tích học tập rất cao. Như vậy, việc học giỏi và điểm số cao trở nên bình thường và không còn quan trọng nhất. Vậy điều gì để một em học sinh này có thể khác biệt và có cơ hội được nhận vào trường khi cùng thành tích học tập cao? Khi đó, ban tuyển chọn sẽ tìm các học sinh có niềm đam mê gì, sở thích gì, biết chơi một bộ môn nghệ thuật hay thể thao nào, đã đóng góp gì cho xã hội? Đó chính là những kỹ năng mềm giúp trẻ trở nên con người toàn diện và khác biệt. 

anh1-3760-1652237934.jpg

* Điều anh tâm đắc nhất trong hành trình đầu tư giáo dục?

- Là quá trình. Vì Thanh tâm đắc cách mình làm thế nào chứ không phải là kết quả. Thanh tin quá trình đã làm và đang đang làm là đúng. Giáo dục làm cho con người thay đổi tư duy và âm nhạc giúp con người sống tốt hơn. Thanh đã làm thay đổi tư duy và cuộc sống của nhiều trẻ em Việt Nam. Thanh cảm thấy vui và hạnh phúc khi được làm thầy vì ngồi với các em, Thanh học được sự hồn nhiên, trong trẻo và nghe được nỗi lòng của các em mà ngay cả phụ huynh cũng không bao giờ được chia sẻ.

* Anh nghĩ thế nào về quan điểm nghệ thuật và giáo dục không thể tách rời nhau?

- Khoa học đã chứng minh âm nhạc và nghệ thuật chính là nền tảng khơi nguồn sự sáng tạo, giúp con người nhạy cảm với cuộc sống, làm tâm hồn con người hoàn thiện hơn. Đây là điều cần thiết, nhất là khi chỉ vài chục năm nữa, robot với trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người và khi đó, 80% công việc ngày hôm nay sẽ không còn nữa.

Nghệ thuật là một phần của giáo dục, giáo dục phải có nghệ thuật. Một trong những giấc mơ lớn của Thanh là giáo dục, tâm huyết lớn nhất là trao cho các em sự hạnh phúc nhiều nhất có thể thông qua giáo dục sáng tạo. 

* Triết lý sống anh từng chia sẻ: "Bạn không mất một xu nào cả, sống mãnh liệt, làm việc cật lực, yêu hết mình". Vậy anh có sống đủ 3 triết lý của mình chưa?

- Đã sống đúng nhưng chưa đủ. Bởi khi mình nghĩ là đủ thì mình sẽ không còn khát khao, phấn đấu. Và khi càng làm sẽ thấy có nhiều thứ khác cần phải làm và con người của Thanh đã chọn cái gì thì sẽ làm hết sức.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị! 

Lữ Ý Nhi