Phát triển logistics: Không chỉ cần doanh nghiệp nâng cao năng lực
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 12/05/2022
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng logistics là một ngành kinh tế đầy cơ hội cho DN phát triển. Logistics là một lĩnh vực kinh tế tích hợp đa ngành. Hãy tưởng tượng, hiện nay một năm, ngành logistics cần phải có bao nhiêu phương tiện, nhân lực, kho bãi và các hoạt động khác để phục vụ lưu thông một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá đến trên 633 tỷ USD (số liệu năm 2021, cao gấp hơn hai lần tổng GDP cả nước) đến và rời khỏi Việt Nam.
Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Minh chứng rõ nét nhất là chi phí logistics của Việt Nam vẫn rất cao, chiếm tỷ trọng lên đến trên 20% GDP, trong khi mặt bằng chung về chi phí logistics bình quân của thế giới ở mức khoảng 11% GDP.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, thị trường logistics hiện có tới 90% DN trong nước, nhưng chỉ nắm giữ được khoảng 30% thị phần. Trong khi đó, số DN đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10% nhưng nắm giữ tới 70% thị phần.
Số lượng DN logistics Việt Nam nhiều, nhưng hầu hết là DN nhỏ, tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế đều hạn chế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa các DN logistics với các DN xuất nhập khẩu hàng hóa. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và chiều bán, hoạt động của DN logistics Việt Nam đều "bí sân chơi".
Theo bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng giám đốc Công ty Vinafco, thị trường logistics rất phân tán, số DN cung cấp dịch vụ hợp đồng hay cung cấp dịch vụ chuỗi phân phối (3PL, 4PL) chỉ chiếm 16% và chủ yếu là DN nước ngoài. DN logistics mảng 3PL nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu so với các DN Việt Nam.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội, xét về chi phí logistics hiện nay, chỉ cần đưa về tương đương với mức trung bình của thế giới thì nước ta đã có thể tiết kiệm được cho nền kinh tế khoảng trên 30 tỷ USD (tương ứng 10% GDP). Trách nhiệm này không chỉ đòi hỏi DN logistics nỗ lực, cố gắng rất nhiều để vươn lên, mà còn đặt lên vai các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách.
Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng logistics đạt 15-20%/năm, giảm chi phí logistics xuống khoảng 16% GDP. Tại hội thảo bàn về phát triển DN logistics diễn ra ở Hà Nội cuối tháng 4/2022, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN logistics là vấn đề có tính then chốt cần phải giải quyết nếu muốn ngành logistics Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng thị trường.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số đang phát triển nhanh, ngoài ngành khai sinh ra kinh tế số, sẽ không có ngành kinh tế nào đòi hỏi "nhuốm màu" số hóa cao như ngành logistics. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một hướng đi giúp DN logistics nâng cao được hiệu quả, tối ưu hóa năng suất, tiết kiệm chi phí. DN logistics Việt Nam cần kết nối, liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị vận hành logistics với các đơn vị sản xuất, kho vận, 3PL, 4PL, vận chuyển để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Một số ý kiến khác cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích phát triển thêm nhiều DN logistics mảng 3PL, 4PL để làm động lực kéo thị trường đi lên. Song song, cần đầu tư trung tâm đầu mối vận chuyển, có chính sách và giải pháp công nghệ thích hợp cho ngành logistics; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Về phía Nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển logistics xanh, bền vững...