Đã qua thời kiếm tiền dễ dàng từ chứng khoán, tiền mã hóa?
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 13/05/2022
Theo CNN, khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào năm 2021, nhà đầu tư có thể dễ dàng kiếm tiền. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng 27%, trong khi giá Bitcoin lên cao kỷ lục. Bên cạnh đó, giá của các mặt hàng như dầu và đồng cũng tăng vọt.
Tuy nhiên, đà tăng phi mã của mọi thứ đã bị chặn đứng vì lãi suất tăng cao và nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng. Đà bán tháo lan nhanh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm giữa tuần trước - mức tăng lớn nhất trong 22 năm qua.
Trước đó, FED hồi tháng 3/2022 đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên từ cuối năm 2018. Từ khi FED tuyên bố nâng lãi suất, giá trị vốn hóa thị trường của các tập đoàn công nghệ lớn đã bay hơi 1.000 tỷ USD vì giá cổ phiếu lao dốc. Apple - công ty đại chúng giá trị nhất thế giới - chứng kiến vốn hóa bay hơi 220 tỷ USD. Trong khi đó, hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk ghi nhận mức giảm 199 tỷ USD, vài tháng sau khi vốn hóa rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Đà bán tháo không chỉ dừng lại ở thị trường chứng khoán, khi giá Bitcoin cũng lao dốc gần 10%. Đồng tiền mã hóa này hiện được giao dịch thấp hơn 50% so với mức kỷ lục gần 68.790 USD/đồng vào cuối năm ngoái. Ngay cả dầu - vốn bị đẩy giá lên cao bởi cuộc chiến ở Ukraine - cũng bị cuốn vào đà bán tháo. Giá dầu thô Brent tương lai giảm gần 6% vào cuối ngày 9/5. "Đà giảm đã bắt đầu trong vài tuần qua, điều duy nhất thay đổi là tốc độ", ông Jeroen Blokland - nhà sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư True Insights, bình luận.
Đà giảm sẽ tiếp diễn
Dù giá cổ phiếu và tiền mã hóa đã bật tăng phần nào, song Blokland cảnh báo đà giảm vẫn còn tiếp diễn. Theo ông, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Hơn nữa, không nhiều khả năng FED sẽ thay đổi chính sách.
Cơ quan này được dự báo sẽ tiếp tục mạnh tay đối phó với lạm phát. Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc suy thoái. "Các thị trường tin rằng trong những tháng tới, FED và các ngân hàng trung ương khác không còn lựa chọn nào khác việc tiếp tục hành động mạnh tay, bởi họ phải giành lại quyền kiểm soát lạm phát", Blokland giải thích.
Vị chuyên gia cho rằng một số nhà đầu tư có thể tranh thủ cơ hội để mua vào giá rẻ. Nhưng trên thực tế, giá thấp đi vẫn chưa được coi là rẻ, nhất là sau khi giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, tăng vọt trong 2 năm qua. "Tôi cho rằng còn quá sớm để khẳng định mọi thứ đã kết thúc. Có thể (phiên giảm vừa rồi) vẫn chưa phải đáy", ông Blokland nhận định.
Theo giới quan sát, giá trái phiếu sẽ sớm quay đầu tăng. Giá dầu cũng có nhiều khả năng tăng trong những tháng tới, khi xung đột giữa Nga và Ukraine tạo áp lực lên nguồn cung năng lượng. Nhưng theo CNN, đà tăng phi mã trên mọi thị trường trong thời kỳ hậu phong tỏa đã đi đến hồi kết.