TP.HCM cần làm gì để hút khách du lịch?
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 14/05/2022
Tuy nhiên, để du lịch thành phố phát triển bền vững, có chiều sâu và đặc biệt là "sản phẩm có điểm nhấn, trọng tâm - trọng điểm" nhằm thu hút khách nội địa và quốc tế tới tham quan, lưu trú... các chuyên gia cho rằng đơn vị quản lý ngành cần nghiên cứu lại thị trường, định hướng xây dựng sản phẩm chủ lực, tạo sản phẩm có trọng tâm, điểm nhấn.
Nhiều tiềm lực nhưng thiếu sản phẩm trọng tâm
Theo số liệu (cập nhật ngày 13/10/2021) của Sở Du lịch TP.HCM, thành phố có 366 điểm đến, trong đó 13 điểm gắn với giá trị tự nhiên - sinh thái, 225 điểm gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể, 8 hoạt động gắn với du lịch là những tài nguyên văn hóa phi vật thể và 120 điểm gắn với giá trị công trình nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng... với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Làng du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng Thành phố, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà...
Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khẳng định, TP.HCM không chỉ là đầu mối tiếp nhận du khách và trung chuyển đến các địa phương trong cả nước, nơi đây còn tập trung nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống - mua sắm, các cơ sở đào tạo du lịch có chất lượng để phục vụ cho sự phát triển của ngành.
Thời gian qua, ngành du lịch TP.HCM cũng đã chủ động xây dựng chương trình tour để đưa du khách khám phá Cần Giờ, Thủ Đức với những điểm nhấn trong hành trình. Gần đây, ngành du lịch của địa phương này cũng liên tục giới thiệu những sản phẩm mới như tour ngắm thành phố từ trực thăng, tour du thuyền trên sông Sài Gòn... nhằm tạo nét mới trong sản phẩm để thu hút khách.
Chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn và Công ty Du lịch Du ngoạn Việt đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng, định hướng sản phẩm của Sở Du lịch TP.HCM. Tuy nhiên, ông Xuân Anh cho rằng những tour du lịch này "không mang tính cơ bản, căn cơ, không bền vững" vì sản phẩm không hướng tới khách đại trà, giá thành cao nên rất khó để doanh nghiệp lữ hành triển khai.
Cũng theo ông Xuân Anh, xét nội hàm để phát triển du lịch, TP.HCM đa dạng về văn hóa khi tập trung nhiều dân tộc cùng sinh sống như người Khmer, người Chăm, người Hoa... tạo nên sự đa dạng về lễ hội, ẩm thực. "Cái thiếu của du lịch TP.HCM là sản phẩm có yếu tố trọng tâm, mang nét đặc trưng, điểm nhấn. Chúng ta có đường sông nhưng sản phẩm cũng chưa thực sự tạo sức hút khiến du khách phải trầm trồ và nhất định trải nghiệm khi đến thành phố”, ông Xuân Anh chia sẻ và cho biết ông cũng đang "đau đầu" nghĩ cách tạo nên điểm nhấn, sự đặc trưng độc đáo cho sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đơn vị chuyên tư vấn, xây dựng mô hình kinh tế đêm cũng thừa nhận, TP.HCM đang thiếu sản phẩm kinh tế đêm để giữ chân khách dài ngày. "Chúng ta có phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng dịch vụ nghèo nàn, trong khi phố đêm Bùi Viện thực chất là nâng cấp từ phố Tây", ông Sơn nói và cho biết ngay phố đêm Bùi Viện cũng không đủ "công suất" để gánh cả thành phố.
Phố Bùi Viện về đêm. Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 |
Cũng theo ông Sơn, gần như các đô thị phát triển mạnh về du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lượng khách đến nhiều thì đa phần đều phát triển kinh tế đêm, sôi động. "Thước đo cho sự phát triển đô thị, đặc biệt là du lịch, điểm đến thì phải có nền kinh tế đêm phát triển đặc sắc", ông Sơn nói và cho biết thành phố cũng nhìn ra sự việc và đã có kế hoạch phát triển khu vực Cần Giờ theo hướng phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, có quy hoạch và chiến lược rõ ràng.
Ông Sơn cho rằng, thành phố cũng đã có sự chủ động quyết liệt trong việc xây dựng mô hình kinh tế đêm. "Chúng tôi cũng đang làm việc với 8 quận, huyện tại TP.HCM để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm", ông Sơn nói và cho biết thành phố đang có sự chuyển động mạnh mẽ, bắt tay vào xây dựng quy hoạch và triển khai một cách bài bản hơn.
Quy hoạch bài bản, lựa chọn nhà đầu tư tiềm lực
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia du lịch Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng thành phố phải nghiên cứu lại thị trường nguồn khách, từ đó đánh giá được nhu cầu, sở thích của du khách theo từng khu vực, quốc gia để đầu tư, kêu gọi đầu tư sản phẩm du lịch có trọng điểm, mang lại hiệu quả.
Ông Huê cho rằng, chúng ta không kỳ thị thị trường khách đến từ bất cứ quốc gia nào, nhưng khách có quyền lựa chọn điểm đến. Vì thế, "TP.HCM phải vẽ lại bức tranh thị trường, sau đó đánh giá tài nguyên du lịch hiện có của các địa phương như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, quận 1... để định hướng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch", ông Huê nói và cho biết từ đó sẽ có những phương án xúc tiến, quảng bá đúng và trúng với từng thị trường nguồn khách.
Cũng theo ông Huê, thành phố hiện nay đang tập trung sản phẩm ở khu vực trung tâm chứ chưa chú trọng đến các quận, huyện vùng ven. Vì thế, bao năm nay chỉ chủ yếu làm sự kiện. "Sản phẩm du lịch của thành phố hiện nay gần như dành cho tất cả thị trường khách, giống như đi câu chỉ dùng duy nhất một loại mồi trong khi dưới nước có nhiều loài cá khác nhau", ông Huê nói.
Khách quốc tế tham quan TP.HCM |
Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng cho rằng, TP.HCM có nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp tự làm, chẳng hạn như trước đây có sản phẩm À Ố Show. "Để hút khách, bên cạnh sản phẩm có sự đầu tư về trọng tâm, chuyên nghiệp cũng cần có nguồn lực về tài chính", ông Dũng nói và cho biết chỉ khi đủ nguồn lực tài chính mới xây dựng được sản phẩm thường xuyên để phục vụ du khách.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư sản phẩm phục vụ du lịch tại TP.HCM chủ yếu là cá nhân, công ty yêu thích lĩnh vực đó vì thế thiếu sự đồng bộ và không xác định được mô hình du lịch sẽ phục vụ cho nhóm thị trường khách nào, nguồn tài chính không đảm bảo nên dẫn tới tình trạng "điều gì dễ làm trước để thu hồi vốn". Vì thế ông Dũng cho rằng, chúng ta phải lựa chọn những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mang tính chuyên nghiệp, bài bản như Sun Group, Vin Group... để đủ tiềm lực tạo ra "điểm hút của sản phẩm" cho du khách.
Để làm điều này, theo ông Dũng thành phố phải có cơ chế chính sách, minh bạch, quy hoạch bài bản từng khu vực và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ tiềm lực, tránh tình trạng "dựa vào mối quan hệ để lấy dự án phát triển du lịch rồi... bỏ hoang phí hoặc không thực hiện đúng yêu cầu ban đầu", ông Dũng nói và cho rằng phải rà soát và thu hồi lại những dự án này để bàn giao cho đơn vị đủ tiềm lực thực hiện.
"TP.HCM quan trọng là thu hút khách, không nhất thiết phải giữ khách lại lâu ngày, chỉ cần khoảng 4 ngày là hợp lý”, ông Dũng nói và cho biết phải xây dựng được sản phẩm độc đáo, khách tới nhất định trải nghiệm. Đồng thời, tăng khả năng liên kết với các địa phương để đón những luồng khách mới, tạo sự "dịch chuyển, tránh tắc nghẽn nguồn khách". Theo ông Dũng, chúng ta nên nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc trưng, độc đáo mà khách du lịch tới phải trải nghiệm với ấn tượng tốt, từ đó sẽ truyền tai, giới thiệu đến nhiều người hơn.