Lao đao sân khấu xã hội hóa
Thư giãn - Ngày đăng : 07:00, 14/05/2022
Một cảnh trong vở "Cậu đồng" của Idecaf |
Thời "nở nồi" của sân khấu xã hội hóa
Những năm đầu thập niên 1990, TP.HCM có hai điểm xem kịch nói là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm ở 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) với những diễn viên như Thành Lộc, Hồng Đào, Minh Trang, Hồng Vân, Thanh Thủy, Việt Anh... và Sân khấu Hài 135 Hai Bà Trưng với Minh Nhí, Phước Sang, Hữu Nghĩa...
Những năm tiếp theo (1998-2010), sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM được xem là "nở nồi" với Sân khấu Kịch Idecaf và Trần Cao Vân do nghệ sĩ Thành Lộc và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thành lập, Sân khấu Kịch Sài Gòn, Nam Quang, Quốc Thanh của Công ty Văn hóa Giải trí Phước Sang, Sân khấu Kịch Hồng Vân (kết hợp Nhà văn hóa Phú Nhuận), rạp Kim Châu và Sân khấu Super Bowl của nghệ sĩ Hồng Vân, Sân khấu Kịch Nụ Cười Mới của nghệ sĩ Hữu Lộc, Sân khấu Thế giới trẻ của Công ty Sài Gòn Phẳng, Sân khấu Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như; Nhóm kịch Đồng Dao của nghệ sĩ Trung Dân.
Mỗi sân khấu có một đội ngũ diễn viên tên tuổi, tạo dựng phong cách riêng (kịch mục) và thị phần khán giả. Nhờ vậy, khán giả yêu sân khấu kịch nói được hưởng thụ khá đa dạng, từ bi kịch, hài kịch, lịch sử, dã sử đến tâm lý, ngụ ngôn, kinh dị. Chẳng hạn, Sân khấu Kịch Phú Nhuận tạo tiếng vang với hàng loạt vở diễn có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. Idecaf với phong cách kịch sâu sắc, hay hài kịch châm biếm của nước ngoài. Nhà hát Sân khấu Nhỏ với nhiều vở diễn thể nghiệm giàu chất lượng nghệ thuật. Hoàng Thái Thanh với những vở tâm lý xã hội đều thấm đẫm chất nhân văn...
Hằng năm, mỗi sân khấu đều có từ 4-7 vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, có tính nghệ thuật. Nhiều vở diễn mới "cháy vé”, có vở được diễn liên tục hàng trăm suất mà khán giả vẫn đông. Nhiều nghệ sĩ sống được bằng nghề với "thánh đường" sân khấu. Sự cạnh tranh lành mạnh đã tạo cơ hội cho đội ngũ tác giả trẻ, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng phát triển tài năng.
Thăng trầm theo thời cuộc
Ngay từ Liên hoan Sân khấu xã hội hóa năm 2006, nhiều vấn đề đã được đặt ra, như làm sao để phát huy được sự năng động và giỏi tiếp thị công chúng của các đơn vị xã hội hóa, vai trò của Nhà nước đối với công cuộc xã hội hóa sân khấu... Những năm sau đó, tiếp tục có nhiều hội thảo, tọa đàm về phương hướng hay giải pháp duy trì và phát triển sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM. Nhưng cho đến nay, các sân khấu xã hội hóa vẫn luôn phải tự thân vận động mà không có sự kết nối hay hỗ trợ nào từ Nhà nước.
Mặc dù có những thời điểm sân khấu xã hội hóa vẫn tiếp tục "nở nồi" với sự ra đời của các sàn diễn mới, hay xuất hiện những vở diễn tạo tiếng vang lớn, song từ năm 2012 trở lại đây, sân khấu TP.HCM luôn ở trong tình trạng không ổn định. Nguyên nhân là do sự phát triển của các loại hình như gameshow, phim truyền hình, phim chiếu rạp, web drama, YouTube... chi phối lựa chọn giải trí của số đông khán giả, nhất là giới trẻ. Sân khấu hầu như chỉ đông kín khán giả vào mùa kịch Tết hay dịp lễ nào đó.
Cùng sự cạnh tranh về "lựa chọn giải trí” của khán giả, từ lâu sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, hầu hết sân khấu đều phải thuê mặt bằng và chịu mức thuế như doanh nghiệp làm kinh tế. Khi có chỗ diễn ổn định thì các nghệ sĩ mới dám đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất và các vở diễn quy mô lớn, nhưng mua đất xây nhà hát là quá sức với các nghệ sĩ. Không dễ gì tìm được nhà đầu tư, khi mà tiền đổ vào không có khả năng hoàn vốn.
Một sân khấu vài tháng ra được một vở diễn mới, diễn bao nhiêu suất mới bù lỗ được, trong khi khán giả luôn thay cũ đổi mới, luôn muốn điều mới lạ. Hai năm dịch Covid-19 bùng phát, sân khấu "đóng băng" nhiều tháng liên tục càng khiến khó khăn trầm trọng hơn.
Mở cửa trở lại sau Liên hoan Sân khấu và Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, những tưởng sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM ít nhiều khởi sắc. Nhưng mới đây, trên trang cá nhân, NSND Hồng Vân viết: "Mệt rồi, 22 năm cho một nơi chốn để được cháy bỏng với đam mê nghệ thuật. Nhưng đến lúc phải dừng lại để còn lưu giữ được những kỷ niệm đẹp...". NSƯT Hạnh Thúy cũng xót xa viết: "Từng sân khấu buộc lòng phải lên tiếng đóng cửa. Những sân khấu còn lại phải vất vả tìm đường ra, nhưng cũng chẳng có gì bảo đảm cho đời sống của nghệ sĩ, của nhân sự. Có ai lo lắng đặc sản kịch của Sài Gòn sẽ đi về đâu và còn lại những gì".
Được biết, các sân khấu như Super Bowl, Hồng Hạc, Kịch Sài Gòn, Kịch Chợ Lớn... đều phải thông báo đóng cửa vì không kham nổi chi phí vận hành và vắng vẻ khán giả. Sau tháng 7 tới, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh sẽ chỉ diễn theo mùa: mùa Tết kéo dài từ 3-5 tháng, mùa kịch giữa năm từ 2-3 tháng. "Nếu phương án diễn theo mùa không thành công, Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ tính tiếp hướng đi khác, thậm chí có thể phải đóng cửa", NSƯT Thành Hội bỏ ngỏ.
Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng sẽ thực hiện các vở diễn cuối tuần với sự gánh vác của NSƯT Trịnh Kim Chi. Tác phẩm sẽ được dựng theo từng dịp cụ thể, ưu tiên công diễn ngày lễ, dịp kỷ niệm. Nghệ sĩ giỏi nghề phải ký hợp đồng chặt chẽ, nhằm đảm bảo chất lượng vở, tránh tình trạng sân khấu bị động về kịch mục, đội ngũ diễn viên như hiện nay. Còn NSND Hồng Vân sẽ đưa các diễn viên từng tham gia trong những vở cũ của Sân khấu Kịch Phú Nhuận đi lưu diễn tỉnh, phục vụ các trường học.
Ở thời điểm này, Idecaf là sân khấu xã hội hóa hoạt động ổn định nhất ở TP.HCM. Nhưng dù thành công mùa kịch Tết vừa rồi, Idecaf vẫn tiếp tục diễn các vở cũ trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. "Ngay cả Idecaf cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa, nếu không tự đổi mới để giữ chân khán giả", ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.