Vì sao cơ thể không thể thiếu chất đạm?
Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 15/05/2022
Chức năng của chất đạm đối với cơ thể
Tham gia cấu trúc. Chất đạm chiếm số lượng lớn của các bắp thịt, xương và mô của tất cả hệ cơ quan khác như gan, thận, tim, não, ruột...
Chức năng miễn dịch. Chất đạm là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào bạch cầu và kháng thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.
Bảo vệ cơ thể. Da, tóc và móng được cấu tạo từ chất đạm có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân của môi trường (mất nước, nhiệt độ và các tác nhân gây hại).
Cấu tạo nên các hormone. Chất đạm là thành phần chính của các hormone tăng trưởng, hormone sinh dục, hormone chuyển hóa trong cơ thể.
Tham gia chuyển hóa. Chất đạm là thành phần cấu tạo nên các men là các chất xúc tác của hàng nghìn phản ứng xảy ra trong các tế bào.
Cung cấp năng lượng. Đây không phải là chức năng chính của chất đạm, nhưng khi cơ thể thiếu năng lượng từ chất bột đường thì sẽ lấy năng lượng từ chất đạm. 1g chất đạm cung cấp 4kcal.
Chất đạm quan trọng đến nỗi mà nếu cơ thể mất khoảng 14% thì sẽ xuất hiện những bệnh nghiêm trọng.
Hệ quả khi cơ thể thiếu đạm?
Protein rất cần thiết để vết thương nhanh lành lại. Khi thiếu protein, sự hình thành collagen bị suy yếu và vết thương có thể trở nên tồi tệ hơn. Thiếu protein sẽ làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể do thiếu nguyên liệu tạo nên các tế bào miễn dịch, các kháng thể và các chất điều hòa miễn dịch.
Ảnh hưởng vận động do mất cơ xương. Mất cơ thường liên quan đến tuổi tác, nhưng cũng có thể do suy dinh dưỡng không cung cấp đủ chất đạm. Quá trình hình thành và phục hồi collagen sẽ bị suy yếu do thiếu protein, khiến ta dễ bị gãy xương hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Chất đạm là thành phần của nang tóc nên khi thiếu đạm, tóc dễ rụng hơn. Điều này còn liên quan đến tình trạng thiếu sắt, gây ra bởi việc nạp không đủ thực phẩm chứa protein.
Khi cơ thể thiếu đạm sẽ "báo hiệu" bằng sự thèm ăn để ta nạp thêm protein. Nhưng nghịch lý là khi thèm ăn ta lại có xu hướng ăn nhiều chất đường bột và kết quả là cơ thể dễ tăng cân, béo phì và tăng tích mỡ. Protein là một chất dinh dưỡng đa lượng (có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể).
Khi một người bị thiếu protein và calo thì dấu hiệu đầu tiên thường là suy nhược và mệt mỏi. Do hạn chế khả năng tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Vì vậy nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng não, khiến cảm xúc thay đổi thất thường, khó ngủ và ngủ không say giấc. Protein cần để xây dựng cơ bắp, xương và các hệ cơ quan. Nếu trẻ bị thiếu protein, trẻ sẽ chậm phát triển thể chất lẫn trí tuệ.
Sử dụng chất đạm thế nào để tốt cho sức khỏe?
Nhu cầu chất đạm của cơ thể trung bình là 1g protein/1kg cân nặng cơ thể/ 24 giờ. Nhu cầu này có thể thay đổi tùy thuộc vào tuổi, giới tính, tính chất công việc, các giai đoạn khác nhau của cuộc sống và tình trạng sức khỏe, bệnh tật của từng người.
Tỷ lệ giữa protein động vật và protein thực vật cũng nên ở mức hợp lý. Người trưởng thành nên lựa chọn 70% chất đạm từ thực vật và 30% chất đạm động vật sẽ có lợi cho sức khỏe.
Đạm động vật: Các loại thịt, hải sản, trứng, sữa và cá là nguồn chất đạm dồi dào nhất. Nên ưu tiên các đạm động vật nhóm an toàn hơn để ăn (cá, thịt trắng) vì chúng chứa ít chất béo xấu, cholesterol. Các loại thịt đỏ (thịt bò, heo) nên ăn vừa phải vì chúng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
Đạm thực vật: Protein trong các loại hạt, ngũ cốc, trái cây, rau xanh, nấm, đặc biệt trong đậu nành, họ đậu, lạc, vừng... là nguồn protein tốt, an toàn (vì ít chất béo xấu và cholesterol, giàu chất béo chưa bão hòa).
Protein từ đậu nành là một trong những protein thực vật hoàn chỉnh nhất có đầy đủ 9 axit amin thiết yếu (là các axit amin cấu tạo nên chất đạm mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được). Đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
(*) Tư vấn dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động