Chi tiêu nội dung phát trực tuyến của Hollywood có thể tăng
Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 15/05/2022
Netflix giảm mạnh người dùng
Ngày 19/4/2022 vừa qua, Netflix đã công bố kết quả kinh doanh gây sốc. Theo đó, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, lượng người đăng ký trả phí sụt giảm mạnh khi Netflix mất hơn 200.000 tài khoản trong quý I/2022. Netflix dự báo tiếp tục mất 2 triệu thuê bao trả phí toàn cầu trong quý II năm nay. Trước đó, Netflix từng đặt mục tiêu bổ sung 2,5 triệu thuê bao trong quý I/2022. Việc đình chỉ hoạt động tại Nga gần đây cũng khiến Netflix bị giảm khoảng 700.000 người dùng.
Covid-19 bùng phát, Netflix từng ghi nhận nhiều cột mốc tăng trưởng khi người dân phải ở nhà để phòng chống dịch.
Nhưng Netflix thừa nhận lợi nhuận kiếm được trong đại dịch đã "làm mờ bức tranh tăng trưởng" khi xã hội trở lại hoạt động bình thường. Nền tảng này từng nổi tiếng với việc hào phóng cho người dùng chia sẻ mật khẩu để thu hút người sử dụng dịch vụ. Song hiện nay với sự cạnh tranh từ dịch vụ trực tuyến của Disney, Warner Bros. Discovery, Paramount Global, NBCUniversal, Apple TV+... Netflix cho biết muốn hàng triệu hộ gia đình đang chia sẻ mật khẩu phải bắt đầu trả tiền.
Với những gì Netflix công bố ở trên cho thấy một thực tế đã được xác nhận: cho dù nội dung tuyệt vời đến mức nào, các công ty streaming cũng không thể tạo ra được mức lợi nhuận như các công ty phim và truyền hình có được ở thời kỳ trước đây. Trong buổi chia sẻ với các nhà đầu tư, Spencer Neumann - Giám đốc Tài chính Netflix nói rằng, công ty "sẽ rút lại một số khoản tăng trưởng chi tiêu" để giữ lợi nhuận trong tầm kiểm soát. Nhưng Netflix vẫn khẳng định số tiền chi ra để sản xuất nội dung trong năm nay vẫn lớn hơn so với các đối thủ. Được biết, Netflix đã chi 17 tỷ USD cho nội dung trong năm tài chính 2021. Bên cạnh đó, Netflix cũng có thể cân nhắc ra mắt một gói nội dung với giá thấp hơn song kèm theo quảng cáo.
Thị phần đầy cạnh tranh
Nội dung là lĩnh vực mà Netflix đang hứng chịu cạnh tranh lớn nhất từ các đối thủ, nhất là các công ty có nhiều danh tiếng và kinh nghiệm ở mảng giải trí như HBO, Disney, NBCUniversal và Paramount. Vào tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Morgan Stanley dự báo những "gã khổng lồ” khác ở Hollywood như Disney, Comcast, Warner Bros. Discovery, Amazon, Netflix, Paramount, Fox, Apple, Lionsgate và AMC Networks sẽ chi tổng cộng 140 tỷ USD cho nội dung giải trí và thể thao vào năm 2022.
Cụ thể, Disney có kế hoạch chi 33 tỷ USD trong năm tài chính 2022, tăng 8 tỷ USD so với năm trước. "Chi tiêu đó chủ yếu là nội dung cho các nền tảng trực tiếp đến người tiêu dùng và các nền tảng khác của chúng tôi. Khoảng 11 tỷ USD trong số đó được chỉ định cho bản quyền thể thao", Christine McCarthy - Giám đốc Tài chính Disney cho biết tại một hội nghị của Morgan Stanley vào tháng 3 vừa qua. NBCUniversal đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho nền tảng trực tuyến Peacock TV vào năm 2022, khi phân bổ hơn 3 tỷ USD cho nội dung phát trực tuyến. Paramount+ cũng vừa bổ sung ngân sách phát trực tuyến toàn cầu trong quý I/2022, đạt 62 triệu người đăng ký vào cuối tháng 3. Dự kiến Paramount+ sẽ ra mắt ở Anh và Hàn Quốc vào tháng 6/2022 và Ấn Độ vào năm 2023.
Warner Bros. Discovery với CEO mới là David Zaslav sẽ tái đầu tư tiết kiệm (hợp lực chi phí 3 tỷ USD sau hai năm) vào nội dung phát trực tuyến để cung cấp năng lượng cho HBO Max và Discovery+ khi cạnh tranh với Netflix, Disney+ và Amazon Prime, đồng thời đóng cửa (sau một tháng ra mắt, từ 29/3 - 30/4/2022) nền tảng CNN+. Trước đó, CNN đã rót khoảng 350 triệu USD để xây dựng kênh trực tuyến CNN+.
Theo WTJ, CNN+ ra mắt chỉ thu hút chưa tới 100.000 người đăng ký do mức thu phí cao, gần 6 USD mỗi tháng. Trong khi vướng rào cản pháp lý, kênh này thiếu các tin tức nóng hổi, vốn có tính quyết định sống còn với báo chí và truyền thông. Việc đóng cửa CNN+ không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu USD của CNN, mà còn là minh chứng cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường phát trực tuyến.
"Có lý do để tin rằng nhiều nền tảng phát trực tuyến sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho nội dung, vì mua lại nhượng quyền thương mại trở thành một nhu cầu cạnh tranh", Peter Csathy - Chủ tịch Công ty Tư vấn CreaTV Media cho biết. Điều đó có thể hiểu rằng, nhiều nền tảng phát trực tuyến sẽ áp dụng chiến lược "ít hơn là nhiều hơn" nhưng vẫn chi tiêu số tiền lớn để thu hút các ngôi sao "ăn khách" để lôi kéo người tiêu dùng đến với dịch vụ.
(Theo Hollywood Reporter)