Xu hướng nhân sự người Việt ở nước ngoài về nước làm việc
Quản trị - Ngày đăng : 08:24, 15/05/2022
Lợi thế của nhân sự Việt kiều
Châu Á vẫn đang là khu vực quy tụ số lượng lớn các tập đoàn và các startups đến làm việc nhiều hơn bất kỳ châu lục nào, đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển dụng tăng cao ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với nhân sự cấp cao hoặc chuyên gia, nhiều công ty hiện nay thường có khuynh hướng tìm kiếm các ứng viên là Việt kiều với kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài và các quốc gia phát triển.
Điều này giải quyết được hai mục tiêu lớn: Hạn chế tối đa khoảng cách, rút ngắn quá trình thích ứng về văn hoá làm việc tại địa phương và đảm bảo được sự gắn bó lâu dài của phần đông nhân sự nhóm này theo nguyện vọng hồi hương.
Theo bà Vicky Truong - Quản lý ứng viên Quốc tế từ Robert Walters, thị trường lao động Việt Nam hiện chưa hồi phục như đa số mọi người nhận định nhưng có sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng nhân sự Việt kiều về nước cũng như nhu cầu tuyển dụng nguồn lực kiều bào này.
Bà Vicky Truong giải thích: "Thị trường nhân sự tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua bị ảnh hưởng nhưng vẫn có sự phát triển. Thậm chí, dịch bệnh vừa qua còn giúp quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn dưới tác động của quá trình cắt giảm nhân sự ở các thị trường lao động cạnh tranh cao ở các nước phát triển và sự mở rộng nhu cầu nhân sự chuyên môn cao ở nhiều công ty đa quốc gia và các startups tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thay đổi đáng chú ý nữa chính là việc “hồi hương” nguồn nhân lực Việt vốn sinh sống và làm việc ở nước ngoài đang muốn trở về Việt Nam. Theo khảo sát, 63% người Việt về nước vì muốn gần hơn với gia đình, 28% muốn tìm kiếm thu nhập tương đương với mức sinh hoạt thoải mái hơn, 49% muốn trải nghiệm văn hoá làm việc nhiều cảm hứng hơn sau nhiều năm chăm chỉ “cày cuốc” ở nước ngoài hay đơn giản, là muốn khẳng định tên tuổi chuyên ngày ngay tại quê nhà.
Ngoài ra, đà thiếu hụt của nhóm nhân sự ngoại, đặc biệt là chuyên gia trong thời điểm dịch bệnh dưới hệ quả của các quy định hạn chế nhập cảnh, cấp thị thực...cũng là một xúc tác khiến làn song nhân sự kiều bào trở thành một giải pháp lý tưởng.
Nhân sự Việt kiều hay kiều bào theo quan điểm của dự án “Come Home Phở Good” do Robert Walters khởi xướng không chỉ là nhóm đối tượng sinh ra, lớn lên ở nước ngoài mà còn nhóm sinh trưởng tại Việt Nam và sau đó ra nước ngoài. Nhóm này có đặc thù là vẫn hiểu văn hóa và nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt.
Nhóm đối tượng lao này có sức hút ở hầu hết mọi ngành nghề tại Việt Nam – nhất là ngành có nhu cầu cao về chuyên môn hoặc yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở các nước có ngành nghề đó phát triển.
Đặc biệt, là những ngành về công nghệ như IT hoặc Digital. Lý do là ngành kỹ thuật liên quan đến nhà máy sản xuất, dây chuyền…cần những nhân sự cấp cao có kỹ năng quản lý và tầm nhìn bao quát cho quá trình sản xuất và trình độ chuyên môn cao và nhân sự Việt kiều có thời gian làm việc tại các công ty đa quốc gia sẽ có đầy đủ những yếu tố thuận lợi trên.
Bên cạnh đó, nhân lực kiều bào cũng giúp các công ty tối ưu hơn về chi phí khi dễ dàng hoà nhập về mặt văn hoá làm việc tại địa phương và thoả thuận quyền lợi tuyển dụng khi so sánh với nhân sự nước ngoài ở cùng vị trí. Ngoài ra, việc hoà hợp “điểm chạm” về mục đích của nhân sự kiều bào cũng giúp các công ty trẻ như startups tìm được sự gắn bó tốt hơn, nhờ đó giúp việc phát triển từ giai đoạn sơ khởi được ổn định.
Bà Vicky Truong cho biết: “Quan sát từ dự án “Come Home Phở Good” cho thấy, có nhiều lý do để một ứng viên hồi hương làm việc. Phổ biến là các bạn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau đó qua nước ngoài làm việc một thời gian và muốn về Việt nam vì lý do muốn về với gia đình hoặc muốn lập gia đình, sinh sống ở Việt Nam.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp ứng viên thành công và cso sự nghiệp ở nước ngoài, thậm chí mua được nhà rồi nhưng mà vẫn chưa phải 100% hòa nhập vào môi trường ở đó và cảm thấy không hạnh phúc thì sẽ về.
Thách thức khi kiều bào khi về nước
Theo bà Vicky Truong, thách thức dễ thấy là sự chênh lệch về mức lương giữa Việt Nam và các nước họ từng làm việc (khoảng tầm 30 đến 50% mức lương mà các bạn đang nhận).
Tuy nhiên, nếu xét ở mặt bằng tại Việt Nam thì con số không thấp, thậm chí ứng viên vẫn có thể duy trì cuộc sống của họ ở nước ngoài nhưng thử thách lớn nhất là họ sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng khi nhìn mức thu nhập mà nhiều đơn vị tuyển dụng đề xuất.
Một thách thức nữa là nếu ứng viên sống ở nước ngoài quá lâu hoặc sinh ra ở nước ngoài sẽ không biết môi trường làm việc ở Việt Nam như thế nào, công ty nào là công ty tốt hoặc là biên độ mức lương ở đây như thế nào. Họ không biết bắt đầu tìm kiếm con số từ đâu vì không có nhiều thông tin để tìm kiếm.
Trà Trần – Phụ trách tuyển dụng nhân sự người Việt ở nước ngoài chia sẻ: “Với những người ở nước ngoài lâu, khi trở về, họ chưa nắm rõ tình hình thị trường việc làm ở Việt Nam và không có nhiều mối quan hệ xã hội. Điều đó làm giới hạn những lựa chọn công việc tốt, phù hợp với họ, dẫn đến mất thời gian và mất cân bằng về tâm lý. Vì thế, những công ty có đội ngũ chuyên gia hiểu biết về thị trường sẽ giúp những người như tôi tiếp cận và tìm hiểu công việc một cách cụ thể hơn. Nó khác với những tin quảng cáo tuyển dụng trên mạng mà mọi người thường thấy là vị trí và miêu tả công việc rất chung chung"
Đó cũng là lý do “Come Home Phở Good” đã nỗ lực tìm đáp án tối ưu nhất trong suốt thời gian qua. “Ví dụ tôi sẽ không bao giờ nói với ứng viên của tôi là về đi, sẽ trả mức lương cao. Tôi rất thẳng thắn với họ bởi vì tôi cũng đã từng ở trong hoàn cảnh của họ trước đó đâm ra tôi hiểu được họ muốn cái gì và họ cần cái gì. Nhiệm vụ của chúng tôi là cho họ đầy đủ thông tin để giúp họ đưa ra tính toán của họ và cũng như giới thiệu cho họ những công việc ở Việt Nam như thế nào, công ty như thế nào”, bà Vicky Truong nói..
Do đó, “Come Home Phở Good” không những giới thiệu ứng viên cho đối tác mà còn phải giải thích với ứng viên của mình là đối tác này nằm trong lĩnh vực nào nào, đặc thù ra sao? Môi trường làm việc ở đây như thế nào và đội ngũ team như thế nào?... chứ không đơn thuần là chỉ chuyển hồ sơ (CV) qua cho khách hàng. Bởi những thông tin đầy đủ như vậy nên khi ứng viên đưa ra quyết định, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn.