Việt Nam được đánh giá cao trong việc xóa bỏ lao động trẻ em
Sống khỏe - Ngày đăng : 04:55, 17/05/2022
Việt Nam là một trong 26 quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7. Đây là một liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam đang chung tay và tình nguyện thực hiện một nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em.
Từ năm 2018, Việt Nam đã thực hiện cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em và từ đó nhận biết các vấn đề để xóa bỏ lao động trẻ em. ILO đang làm hợp tác hiệu quả với Việt Nam để cố gắng nâng cao năng lực và đảm bảo rằng pháp luật được ban hành tại Việt Nam sẽ mang lại kết quả khả quan.
Một trong những lý do khiến điều này trở nên quan trọng đối với Việt Nam là khi đất nước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời ký kết các hiệp định thương mại quan trọng, đặc biệt là với Liên minh châu Âu (EU) - nơi có những quốc gia quan tâm mạnh mẽ đến các tiêu chuẩn lao động, Việt Nam đang có một nỗ lực rất nghiêm túc trong vấn đề xóa bỏ lao động trẻ em.
Theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, trên thế giới hiện nay có 160 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em, tương đương với 9,6% tổng số trẻ em trên thế giới. Vào đầu thế kỷ (năm 2000), con số đó là 245 triệu trẻ em, tương đương 16%. Vì vậy, trong hai thập kỷ qua, con số này đã giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, các số liệu dần tăng trở lại, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Sau khi đại dịch bùng phát, có nhiều quan ngại rằng các số liệu sẽ tăng trở lại một lần nữa. Vì vậy, hiện nay ILO đang cố gắng đáp ứng mục tiêu quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra đó là xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam đã có những thành công lớn, đó là giảm con số lao động trẻ em một cách rất nhanh và rất đáng kể. Khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận sự giảm mạnh. Thách thức lớn đang nằm ở châu Phi - nơi mà các con số đang tăng lên khá mạnh mẽ. Tỷ lệ trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara là hơn 23%. Như vậy mức trung bình toàn cầu là 9,6% đã tăng hơn gấp đôi ở châu Phi.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết, có hai điều chúng ta cần phải làm. Thứ nhất, giáo dục và tiếp cận giáo dục là vũ khí chính để chống lại lao động trẻ em. Nếu các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học và họ có đủ khả năng chi trả, họ sẽ làm điều đó. Vì vậy giáo dục có ý nghĩa sống còn. Thứ hai là bảo trợ xã hội. Các bậc phụ huynh không mong muốn con cái của họ phải đi làm. Họ thường phải bắt con cái đi làm vì thu nhập của gia đình quá thấp. Vì vậy, cần xem xét đây như vũ khí thứ hai để bảo vệ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo, giúp họ có điều kiện tránh lao động trẻ em.
Đây là hai đòn bẩy đã được sử dụng rất hiệu quả. Có một đòn bẩy thứ ba nữa là đảm bảo rằng các bậc phụ huynh có việc làm và thu nhập ổn định. Công việc mang lại cho họ thu nhập đủ để thoát nghèo và con cái của họ không phải làm việc. Ngoài ra, có một phần đoàn kết quốc tế cho tất cả những điều này. Điều vô cùng cần thiết là cộng đồng toàn cầu không chỉ đặt ra mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em mà còn thực sự hỗ trợ thông qua các nỗ lực tài chính để xóa bỏ lao động trẻ em.