4 quy định nổi bật về luân chuyển cán bộ
Pháp luật - Ngày đăng : 08:00, 17/05/2022
1. Cán bộ nào phải thực hiện luân chuyển?
Theo quy định mới nhất tại Khoản 2 Điều 4 Quy định 65, đối tượng cán bộ luân chuyển gồm:
- Cán bộ được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý (theo quy định cũ tại Quy định 98-QĐ/TW năm 2017, đối tượng này là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị).
- Không phải là người địa phương, không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp và luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện gồm:
+ Bí thư cấp ủy (trước đây là bí thư tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương)
+ Chủ tịch UBND (trước đây ghi rõ là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện)
+ Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân và cấp trường ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, huyện
- Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển cán bộ là gì?
Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển cán bộ được nêu tại Điều 5 Quy định 65. Cụ thể, cán bộ được luân chuyển nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực và triển vọng phát triển cao
- Đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của chức danh được luân chuyển
- Có đủ sức khỏe
- Có thời gian công tác còn ít nhất 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển ngoại trừ trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy định mới này đã bỏ điều kiện về độ tuổi là 50 tuổi với nam, 45 tuổi với nữ trừ trường hợp được kéo dài thời gian công tác.
Đồng thời, Quy định 65 cũng không còn nêu cụ thể về chức danh bố trí luân chuyển như trước đây nữa:
- Cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng hai nhiệm kỳ liên tục, cán bộ luân chuyển thực hiện chủ trương: Không phải người địa phương, chủ yếu bố trí làm cấp trưởng.
- Cán bộ trẻ: Bố trí làm cấp phó.
- Trường hợp khác: Do cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Thủ tục, trình tự luân chuyển cán bộ thực hiện thế nào?
Thời gian luân chuyển:
Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) trừ trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.
Quy trình luân chuyển cán bộ:
- Bước 1: Cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để xây dựng kế hoạch luân chuyển căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ sau đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
- Bước 2: Cơ quan tham mưu đề xuất nhân sự luân chuyển căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền.
- Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tổng hợp đề xuất, rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, cán bộ luân chuyển. Đồng thời, cơ quan này cũng lấy ý kiến nhận xét, đánh giá nhân sự dự kiến luân chuyển.
- Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định về dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; tổng hợp ý kiến thẩm định và trao đổi cũng như gặp gỡ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ dự kiến luân chuyển.
- Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử...
4. Bố trí cán bộ sau luân chuyển thế nào?
Việc bố trí công tác cho cán bộ sau khi thực hiện luân chuyển căn cứ vào yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ.
Khi đó, căn cứ Điều 11 Quy định 65, cán bộ luân chuyển được hưởng chế độ như sau:
- Được bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí (nếu có).
- Được bảo lưu chế độ, phụ cấp chức vụ nếu chức danh sau khi luân chuyển thấp hơn chức danh đang đảm nhiệm trước khi luân chuyển.
Còn lại, về cơ bản vẫn thực hiện bố trí chức vụ tương đương với chức vụ đảm nhiệm. Một số trường hợp cần thiết mới bố trí chức vụ cao hơn cho cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến bố trí.