Các doanh nghiệp Việt đón dòng vốn mới từ Mỹ

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:00, 17/05/2022

Với nguồn vốn hơn 10 tỷ USD, Mỹ là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư và dự báo dòng vốn từ nước này tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam sau cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ "làm tất cả để có môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, an toàn cho mọi chủ thể".
Các doanh nghiệp Việt đón dòng vốn mới từ Mỹ

Ford Việt Nam công bố tăng đầu tư trong năm nay

Việt Nam là đối tác lớn nhất của Mỹ trong khối ASEAN

Suốt 27 năm bình thường hóa quan hệ, tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ từ 17-20%/năm. Năm 1995, quan hệ thương mại 2 nước chỉ 400 triệu USD, nhưng đến năm 2021 con số này là 112 tỷ USD, tăng gần 280 lần dù trải qua đại dịch. Kết quả này đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ và là đối tác lớn nhất của Mỹ ở khối ASEAN. Trong khi Việt Nam xuất sang Mỹ linh kiện, máy móc, hàng dệt may..., Mỹ cung cấp sản phẩm kỹ thuật số, vật tư y tế, công nghệ cao.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam trên 169 triệu USD, đứng thứ 9 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…). Đến nay, gần 1.160 dự án của Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 10,47 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Đáng nói, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm qua, nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như P&G, Coca Cola, Apple, Google, Intel… vẫn thông báo các khoản đầu tư vào Việt Nam với hình thức đầu tư trực tiếp hay thông qua các đối tác.

Ông Ted Osius - cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Mỹ xem Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, muốn được đóng góp vào sự tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cuối năm 2021, 80% DN Mỹ tại Việt Nam đánh giá tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ tại Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm. Các DN Mỹ tin rằng, xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa 2 nước tiếp tục duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc Chính phủ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là tiền đề để những DN này tiếp tục rót vốn vào Việt Nam. 

Chẳng hạn, năm 2020, Tập đoàn Ford đã đầu tư thêm hơn 80 triệu USD vào nhà máy Hải Dương, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam lên 200 triệu USD. Mới đây, lãnh đạo Ford Việt Nam cho biết sẽ tăng công suất sản xuất và tuyển thêm lao động, đồng thời đang xin giấy phép mở trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tối đa người tiêu dùng.  

Mỹ luôn là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư của Việt Nam, song theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khả năng phát triển. Chia sẻ tại buổi gặp cộng đồng DN Mỹ nhân dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ kết hợp chuyến thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, Thủ tướng khẳng định sẽ “làm tất cả để có một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, an toàn cho mọi chủ thể”. 

dau-tu-My-2-4456-1652756611.jpg

Dòng vốn từ Mỹ sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

Các DN Việt đón dòng vốn mới từ Mỹ

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng những động thái gần đây của các DN Mỹ dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đón những dòng vốn lớn đến từ quốc gia này. Đơn cử, First Solar sau khi đầu tư một dự án hơn 1 tỷ USD ở TP.HCM đã công bố nhà máy này chính là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của họ trên thế giới.

Tương tự, nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM cũng là cơ sở lớn nhất của Tập đoàn Intel trên toàn cầu. Cuối năm 2021, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD, nâng số vốn đầu tư của tập đoàn này lên đến 1,5 tỷ USD. Không dừng lại ở số vốn đầu tư hiện có, Intel cam kết sẽ đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào khu công nghệ cao TP.HCM trong thời gian tới. 

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam, hơn 2 tỷ sản phẩm của Intel đã được sản xuất tại Việt Nam phục vụ khách hàng toàn thế giới. Do vậy, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi công nghệ lắp ráp và phát triển đội ngũ tại Việt Nam. 

Cùng với những DN Mỹ có nhà máy đang sản xuất tại Việt Nam, nhiều tập đoàn khác đến từ quốc gia này cũng đang tìm đường vào Việt Nam. Tập đoàn Amkor mới đây đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án bán dẫn ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD với giai đoạn 1 là 500 triệu USD. Trong khi đó, Tập đoàn AES Berned Da Santos cũng vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư kho cảng LNG Sơn Mỹ (Bình Thuận) và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Mới đây, Tập đoàn Quantum và Công ty CP BB Group đã ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư 2 dự án quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong đó, dự án Trung tâm Công nghiệp khí Hải Lăng có tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý khí, nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng, kho khí trên bờ, kho khí nổi... có vốn đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 1.

Bên cạnh đó là dự án Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô vốn khoảng 500 triệu USD. Trong khi đó, Exxon Mobil cũng đã ký MOU với TP.Hải phòng về việc nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp điện khí với quy mô vốn đầu tư dự kiến 5,09 tỷ USD tại huyện Tiên Lãng và Cát Hải. 

Tại TP.HCM, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, các DN Mỹ sẵn sàng đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng. Nếu kế hoạch xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế được thông qua, các DN Mỹ đồng ý rót khoảng 4 tỷ USD vào Đà Nẵng và 6 tỷ USD vào TP.HCM. 

Hồng Nga