Việt Nam sẽ có hơn 1.000 đô thị vào năm 2030
Bất động sản - Ngày đăng : 09:34, 19/05/2022
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa; phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; hình thành một số chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững được hoàn thiện. Hạ tầng, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng hiện đại. Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, bền vững; chất lượng sống cao, người dân được đáp ứng nhu cầu về nhà ở.
Năm 2025, toàn quốc đạt tỷ lệ đô thị hóa 45% với 950-1.000 đô thị; năm 2030 đạt 50% với 1.000-1.200 đô thị. Năm 2020, cả nước có 862 đô thị. Như vậy, Việt Nam có thêm hơn 100 đô thị trong 10 năm tới. Việt Nam sẽ có một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa tương đương mức bình quân các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu Đông Nam Á; 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế. Tại các đô thị, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đạt 16-26% năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân mỗi người 8-10m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tối thiểu 32m2. Kinh tế đô thị đóng góp 85% GDP cả nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy Đảng thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy cần sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, với lộ trình và phân công cụ thể. Việc đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị rất quan trọng. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa, văn minh đô thị là nền tảng. Các đơn vị phải hoàn thiện hệ thống pháp luật; ban hành cơ chế, chính sách đột phá để phát triển đô thị.