Khám phá cao nguyên đá Tủa Chùa

Du lịch - Ngày đăng : 00:57, 22/05/2022

Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã quá quen thuộc với nhiều người, ở tỉnh Điện Biên có một cao nguyên đá khác cũng rất quyến rũ. Mới đây, trong chuyến ngược lên vùng cao Tủa Chùa, tôi đã vô cùng phấn khích khi được lạc vào rừng đá tai mèo rộng mênh mông.
dulich-1-6524-1589520552.jpg

Cao nguyên đá Tủa Chùa bao la, hoang sơ

Rừng đá tai mèo bao la

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 dài 450km để tới tỉnh Điện Biên. Từ TP. Điện Biên,  rẽ vào quốc lộ 279 khoảng 130km thì tới thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa. Sau một đêm nghỉ lấy sức, tôi thuê một chiếc xe máy, bắt đầu rong ruổi. 

Cung đường chênh vênh men theo sườn núi dần dần đưa tôi lên cao. Càng lên cao, khung cảnh càng hoang sơ, vắng lặng. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một ngôi nhà sàn của người H’Mông nằm chót vót mỏm núi, nép mình vào vách đá.

dulich-3-4411-1589520552.jpg

Cung đường giữa đá tai mèo

Đi được khoảng 20km, tôi bắt đầu lạc vào một vùng núi đá vôi bao la, tua tủa. Hỏi thăm một người H’Mông đang làm nương bên đường, tôi biết được đây là địa phận xã Tả Phìn, Tủa Chùa. Nằm ở độ cao 1.300 - 1.600m so với mực nước biển, núi đá vôi trùng điệp ở Tả Phìn có biệt danh là "Tiểu Đồng Văn".

Càng đi càng thấy nơi đây quả thực rất giống Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Giống đến mức những ảnh chụp trên cung đường "Tiểu Đồng Văn" cho ai đó xem, chắc họ sẽ cho rằng chụp ở Đồng Văn (bởi Đồng Văn đã quá quen thuộc).

dulich-4-5445-1589520552.jpg

Rừng đá tua tủa bên sườn núi

Nhìn ngắm mãi, tôi cảm thấy ngỡ ngàng với hệ thống đá vôi nhô ra từ các sườn núi với vô vàn hình thù kỳ dị, đủ kích cỡ. Có những khu vực tầng tầng lớp lớp đá ngọn hoắt. Có những chỗ, đá tai mèo tạo thành hàng lũy ngay ngắn, trông rất "bắt mắt". 

Theo số liệu điều tra thì huyện Tủa Chùa có diện tích núi đá vôi lớn nhất tỉnh Điện Biên. Trong số 679,41km2 diện tích tự nhiên toàn huyện thì có đến 65% là dạng núi đá vôi, tập trung nhiều nhất ở xã Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Mường Đun và Xá Nhè.

dulich-6-1901-1589520552.jpg

Người H’Mông đi chợ phiên

Gần như 100% cư dân sống trên vùng cao nguyên đá vôi này là đồng bào H’Mông. Có mặt ở Tủa Chùa cả nghìn năm trước, người H’Mông đã đặt cho vùng núi đá vôi bao la này những cái tên rất ấn tượng, như núi đá Tò Cu Nhe, bãi đá Chung Khóa, núi đá Chung Si Seng...

Đặc biệt thành đá Vàng Lồng được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nằm cách trung tâm xã Tả Phìn khoảng 500m, thành đá Vàng Lồng được người H’Mông xây dựng từ thế kỷ XIII, hình tròn, chu vi 440m, độ cao trung bình 1,5 - 2m, bề mặt tường thành 1m. Thành đá Vàng Lồng đúng như tên gọi của nó, chỉ toàn bằng đá được đẽo gọt thủ công, xếp đặt rất khéo léo, người, ngựa có thể đi trên mặt thành. Trước đây, thành có hai cửa chính nhưng đã bị phá hủy. Tồn tại đến hôm nay chỉ còn một số đoạn tường thành bằng đá, cao độ khác nhau. Đây là công trình có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và lưu dấu tập tục xa xưa của đồng bào H’Mông là sử dụng đá làm hàng rào, bờ ruộng, làm đường, làm móng nhà...

Nằm giữa những vùng đá vôi bao la, người H’Mông từ bao đời nay đã biết chọn mảnh đất bằng phẳng để dựng nhà sàn. Những hốc đá xen kẽ giữa bãi đá được đổ đất trồng ngô, rau xanh hay trồng cỏ cho trâu, bò. Xung quanh nhà, người H’Mông trồng cây ăn quả và cây lấy bóng mát.

Hang động quyến rũ

dulich-2-6558-1589520552.jpg

Cửa hang Thẩm Khến hiểm trở, nhũ đá từ trần hang tuyệt đẹp

Sau một ngày lang thang trên rừng đá, hôm sau tôi tìm đến khu hang động Thẩm Khến ở bản Nà Xa, xã Mường Đun nằm giữa miền cao nguyên đá khô cằn. 

Từ thị trấn Tủa Chùa, vượt qua mấy dốc cao, hết mỏm núi này đến mỏm núi khác, sau khoảng 20km, là tới bản Nà Xa.

Tận dụng buổi sáng còn mát, gửi xe ở nhà dân, tôi đi bộ men theo sườn núi đá vôi để tới hang Thẩm Khến. Cửa hang nằm ở lưng chừng núi, trên độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Đứng ở cửa hang, có thể nhìn thấy những nương ngô xanh mướt của đồng bào H’Mông. 

Thử thách lập tức ập tới khi phải bám vào vách đá để đu người xuống một khe nhỏ có đường kính chừng 2,5m để vào bên trong hang. Lòng hang dần mở rộng, uốn lượn nhưng tương đối bằng phẳng. Những nhũ đá tua tủa rù xuống từ vòm  hang.

dulich-5-4423-1589520553.jpg

Selfie trên cao nguyên đá Tủa Chùa

Trong ánh đèn pin, khung cảnh huyền ảo hiện ra cùng với tiếng trầm trồ của đoàn người tham quan. Những dải nhũ đá có màu vàng, ánh bạc rồi màu xanh, xám đan xen, tạo nên những hình ảnh kỳ thú, như bó lúa, đèn chùm, cây đa, cây si, cây xương rồng, hoặc thửa ruộng bậc thang... Trên trần hang là những khối đá tạo hình voi, nai, rồng, chim công... Có nhũ đá phát sáng làm cho lòng hang trở lên lung linh huyền ảo.

Sâu trong lòng hang có những đoạn rộng đến 15m và vòm cao gần 30m. Nhiều đoạn có cả rừng cột nhũ đá nối từ nền tới trần, rất ấn tượng. Một số đoạn có mạch nước chảy róc rách từ trần xuống nhũ đá, xuống nền hang. Càng vào sâu, cảnh sắc trong hang càng hấp dẫn, làm chúng tôi như bị lạc vào một mê cung của vẻ đẹp mỹ miều, đa sắc.

Hang động Thẩm Khến được nhiều người cho là đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc.  

Hải Dương