11 cách duy trì động lực làm việc của doanh nhân thành công
Phong cách sống - Ngày đăng : 06:05, 23/05/2022
"Ăn trắng mặc trơn", thường có mặt ở những cuộc gặp gỡ từ sang trọng đến giải trí - các doanh nhân nhìn có vẻ "thảnh thơi". Nhưng thực chất, công việc mà họ đảm nhiệm vô cùng áp lực mà nếu không có được một động lực đủ mạnh, họ khó có thể thành công.
Động lực là động cơ bên trong thúc đẩy bạn tiến lên hoặc tránh xa thứ gì đó.
Dưới đây là 11 cách duy trì động lực làm việc của các doanh nhân thành công, giúp họ luôn kiên trì bám trụ và đạt được thành công rực rỡ:
1. Grant Cardone - chủ "đế chế" bất động sản trị giá 500 triệu USD, tác giả cuốn sách best-selling Be Obssessed or Be Average, nhà sáng lập 10X Growth Con 2017: Làm việc có mục đích
Một trong những bí mật thành công của các doanh nhân là họ luôn có cảm hứng làm việc, có động lực thúc đẩy họ tiến lên phía trước bất kể có chuyện gì đang xảy ra.
Để có được động lực làm việc và duy trì chúng, bạn cần tìm ra mục đích làm những công việc đó. Thực tế, không ít người làm việc mà không tin tưởng vào nó. Họ không mệt mỏi vì công việc, họ mệt mỏi vì làm việc mà không có mục đích.
Bài học rút ra là hãy làm việc có mục đích, có động lực. Điều đó giúp bạn không còn muốn bỏ cuộc.
2. Barbara Corcoran- người sáng lập Tập đoàn The Corcoran, hiện là nhà đầu tư của chương trình khởi nghiệp Shark Tank: Đừng bao giờ thấy có lỗi với bản thân
Những thành công lớn nhất mà tôi có được đều xuất phát từ những lần vấp ngã trước đó. Nhờ vậy mà tôi học được cách nhìn nhận thất bại như cơ hội bắt đầu cho một điều gì đó tốt đẹp. Nếu bạn nỗ lực vươn lên trong lúc gặp khó khăn, bạn sẽ tìm thấy ánh sáng nơi cuối con đường.
Chính niềm tin đã giúp tôi duy trì động lực làm việc, tự động viên bản thân tiếp tục cố gắng. Tôi học được rằng, đừng bao giờ cảm thấy có lỗi với bản thân. Chỉ năm phút cảm thấy có lỗi với chính mình cũng đủ tước đi sức mạnh ý chí khiến bạn không thể nhìn thấy cơ hội tiếp theo.
3. Tom Ferry - nhà sáng lập, CEO Tom Ferry International, huấn luyện viên bất động sản hàng đầu của Swanepoel Power 200, và tác giả cuốn best-selling Life! By Design của tờ New York Times:Nỗ lực theo đuổi mục tiêu
Tôi luôn dồn mọi suy nghĩ của mình vào mục tiêu đề ra bất kể có chuyện gì đang xảy ra xung quanh. Là một doanh nhân, bạn luôn giải quyết vấn đề theo hướng sản sinh lợi nhuận cho công ty. Nếu không thể xoay xở trước những biến động thị trường, sự thay đổi hành vi của người dùng, đồng nghiệp đột ngột nghỉ, bị cướp khách hàng hay thậm chí phải làm việc 100 giờ/tuần, thì tốt nhất bạn nên từ bỏ.
Nhưng một khi bạn vượt ra những khó khăn kể trên, mọi thứ còn lại sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Để duy trì động lực làm việc, bạn cần tìm ra sự hấp dẫn của những điều mình mong muốn. Bạn hiểu rõ lý do tại sao mình đặt ra những tầm nhìn đó. Điều này tạo động lực cá nhân thôi thúc bạn bắt tay làm việc. Bạn vạch ra chiến lược hành động, sau đó nỗ lực theo đuổi mục tiêu.
4. Mark Sisson - nhà sáng lập Primal Blueprint, tác giả sách best-selling The New Primal Blueprint, và là chủ trang blog sức khỏe được truy cập nhiều nhất thế giới MarksDailyApple.com: Nhớ rằng công việc luôn khó khăn
Bản thân tôi cho rằng công việc luôn chứa đầy những khó khăn, bởi nếu nó dễ dàng thì ai cũng làm được rồi. Ý nghĩ đó giúp tôi duy trì động lực làm việc mỗi ngày và đủ bản lĩnh đối mặt với những trận chiến gai góc. Sẽ chẳng sao nếu bạn thất bại, nhưng chẳng tốt chút nào nếu bạn chán nản.
Tôi luôn thừa nhận thất bại của mình, tôi học hỏi từ chúng và kiên trì làm việc với một thái độ tích cực. Nhưng là kiên trì có chừng mực chứ không phải đâm đầu làm việc một cách thiếu kiểu soát. Bởi mong muốn lớn nhất của tôi vẫn là tận hưởng cuộc sống. Kinh doanh không bao giờ nên là thứ vắt kiệt sức lực của bạn. Nhưng nếu buộc phải làm thế thì tôi luôn cân nhắc giữa công sức bỏ ra với giá trị lợi ích mình nhận được từ chúng.
5. Yuli Ziv - nhà sáng lập, CEO Style Coalition, nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực marketing, doanh nhân tự thân khởi nghiệp từ "tay trắng" lên khối tài sản hàng triệu USD: Ngừng xem xét vấn đề như "tai nạn"
Một trong những công việc của doanh nhân là giải quyết vấn đề, do đó bạn đừng nên nhìn chúng như một tai nạn đáng tiếc xảy đến. Nếu không được giải quyết triệt để, vấn đề vẫn còn tồn tại ở đó cho dù công ty đã phát triển và kiếm được nhiều tiền. Theo thời gian, vấn đề ngày càng lớn hơn và âm ỉ như quả bom chờ ngày phát nổ.
Điều bạn nên làm là thay đổi quan điểm của bản thân, ngừng xem xét vấn đề như một tai nạn tồi tệ không may xảy đến với mình. Tôi đã làm như thế và luôn dồn hết tâm sức để tích cực giải quyết vấn đề.
6. Jim Mathers - CEO của North American Energy Advisory, Inc: Học hỏi cách người khác vượt qua trở ngại
Khi xây dựng doanh nghiệp đầu tiên, tôi mất 3 tháng để tìm kiếm khách hàng đầu tiên. Trong quá trình điều hành doanh nghiệp được thành lập gần đây nhất, tôi mất 9 tháng để ký được hợp đồng đầu tiên với khách hàng. Sau tất cả những khó khăn, thứ thúc đẩy tôi tiếp tục cố gắng đến ngày hôm này chính là những câu chuyện vươn lên của các doanh nhân đi trước.
Tôi thực sự có động lực làm việc khi nhìn thấy họ vượt ra những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Có hàng trăm ví dụ về những người thành công phi thường như vậy, những người từng trải qua những biến cố tồi tệ hơn tôi đang đối mặt lúc này. Điều này nhắc nhở tôi rằng mình cũng có thể làm được như họ.
7. Maury Rogow - CEO của Rip Media Group: Ghi nhớ lý do tại sao lại làm và không làm
Với chút kinh nghiệm ít ỏi, tôi mở một studio sản xuất video chuyên giúp các doanh nghiệp kể câu chuyện của mình. Studio này nằm ở giữa lòng Hollywood và do đó, nó chịu sự cạnh tranh khốc liệt đến mức tưởng chừng không vượt qua nổi. Các nhà sản xuất studio, các công ty truyền hình cáp, nhà quản lý,... tất cả đều cố gắng nắm lấy bất kỳ cơ hội nào để phát triển hoạt động kinh doanh.
Giữa mớ bòng bong ấy, thứ giúp tôi duy trì động lực làm việc là luôn ghi nhớ lý do tại sao tôi lại làm việc này: Đó là để giúp những nhà sáng tạo khác có thể kiếm sống từ công việc này. Một sự thúc đẩy khác xuất phát từ chuyện tôi không muốn làm việc cho người khác, hay cho ai đó không biết cách chăm sóc bản thân. Nếu họ không thể tự chăm sóc chính mình thì điều gì đảm bảo rằng họ sẽ quan tâm đến chúng tôi - những nhân viên của họ.
8. Jon Braddock - người sáng lập, CEO của My Life & Wishes: Không ngừng tập trung vào nhiệm vụ
Doanh nhân là người cực kỳ đam mê công việc. Niềm đam mê đó được sản sinh từ mong muốn hoàn thành mục tiêu - cũng là thứ lý giải cho sứ mệnh hiện tại của họ. Chúng tôi tin rằng người dùng sẽ trở nên tốt hơn khi sử dụng sản phẩm. Riêng cá nhân tôi, tôi đặt ra mục tiêu giúp một triệu gia đình tránh lặp lại những sai lầm mà cá nhân tôi từng gặp phải khi một người thân yêu của mình qua đời.
Tôi chỉ đơn giản là tập trung vào điều đó (mục tiêu), và chúng tạo ra động lực to lớn thôi thúc tôi tiếp tục công việc.
9. Craig Lack - CEO của ENERGY, nhà sáng lập Performance-Based Health Plans®: Giữ tầm nhìn rõ ràng
Tầm nhìn rõ ràng giúp bạn dễ dàng hoàn thành mục tiêu đề ra. Nếu thông tin phản hồi mà bạn nhận được không khớp với tầm nhìn ban đầu thì cũng đừng phí thời gian dằn vặt khiến đầu óc bị phân tâm. Thành công là thứ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại.
Hãy luôn giữ vững sự tập trung và kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra.
10. Nafisé Nina Hodjat - nhà sáng lập, quản lý của Hãng luật SLS Firm: Dành thời gian "lên dây cót" tinh thần
Tôi tin rằng động lực làm việc thực sự xuất phát từ bên trong con người và niềm đam mê là động cơ thúc đẩy tốt nhất. Tôi yêu những gì mình làm cho dù điều đó khiến tôi phải trải qua những ngày không mấy dễ chịu. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, tôi luôn ghi nhớ lý do tại sao khách hàng lại chọn mình.
Tôi dành thời gian để thiền, huấn luyện hay đơn giản là nhảy ùm xuống bể bơi để "gội sạch" tâm trí và "lên dây cót" tinh thần sau đó.
11. Tom Shieh - Giám đốc của Crimcheck: Nhận ra cuộc sống này không chỉ của riêng bạn
Việc suy nghĩ về mục đích tồn tại của mình luôn thúc đẩy tôi tiến về phía trước.
Tôi nghĩ về ba đứa con thơ xinh đẹp, nghĩ bản thân mình sẽ trở thành những ví dụ sống động của chúng về lòng dũng cảm, tính cam kết. Tôi nghĩ về vợ mình và tất cả những điều kỳ diệu mà cô ấy đã mơ khi còn là một cô bé. Tôi nghĩ về mong muốn biến điều đó thành hiện thực, cả những thứ chúng tôi phải hy sinh và vượt qua khi là một gia đình di cư. Quan trọng hơn hết, tôi muốn sự nỗ lực của tôi có thể khiến họ tự hào.
Mỗi sáng đến công ty, tôi nghĩ về những nhân viên đang làm việc chăm chỉ và cách các quyết định kinh doanh của mình tác động trực tiếp đến gia đình họ.