Giải "bài toán" tăng thị phần rau quả Việt ở thị trường châu Âu

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:18, 24/05/2022

Dân số EU hơn 500 triệu người, mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ Euro các mặt hàng nông sản, riêng rau quả khoảng 60 tỷ Euro. Hàng từ Việt Nam mới chiếm 1% trong số đó.
Giải

Rau quả Việt phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe mới có thể xuất khẩu số lượng lớn vào EU

Cơ chế giao thương đã thuận nhưng tiềm năng còn bỏ ngỏ

Người dân châu Âu ngày càng xem trọng dinh dưỡng nên việc giảm chất béo, tăng rau quả trong chế độ ăn của họ ngày càng phổ biến. Giá trị nhập khẩu rau củ của EU chiếm 44% giá trị thương mại toàn cầu của thị trường này và theo thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhu cầu tiêu thụ rau quả ở châu Âu tăng 15-20% mỗi năm, trong đó sản phẩm chế biến tăng hơn 30%. Đây là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 

Năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU khoảng 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020, tuy vậy, số này mới chỉ chiếm 1% nhu cầu của thị trường này.

Theo Chủ tịch HĐQT Tân Thành Holdings Dương Thị Bích Diệp, với xu hướng nhập khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng, thị trường lớn, ổn định, giá bán cao…, châu Âu chính là “mảnh đất lành” cho nông sản Việt Nam, nhưng những con số trên cho thấy chúng ta chưa khai thác được tiềm năng lớn này. 

vai-thieu-7053-1653375828.jpg

Số lượng trái cây Việt thâm nhập thị trường châu Âu vẫn còn quá ít, chỉ chiếm 1% nhu cầu 

Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội phát triển xuất khẩu bền vững cho nông sản Việt Nam khi 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/8/2021). EVFTA giúp rau quả Việt Nam có nhiều lợi thế khi cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…tại thị trường EU. 

Làm cách nào tăng thị phần rau quả Việt ở châu Âu?

Theo Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU Trần Văn Công, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU chiếm vị thế và tỷ lệ lớn chỉ mới có hạt điều, hạt tiêu, cà phê. Các nhóm hàng có tiềm năng như rau quả, gạo, thực phẩm chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu của EU về số lượng lớn.

Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả mới chỉ tập trung tại hệ thống cửa hàng châu Á, chưa có thương hiệu mạnh và sức lan toả kém, hoặc đang mang thương hiệu của nước khác... Không chỉ số lượng các DN xuất khẩu rau quả của Việt Nam có khả năng đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của EU còn ít, mà ngay cả vùng nguyên liệu sản xuất đạt GlobalGAP phục vụ xuất khẩu sang EU cũng rất hạn chế.

Ông Hoàng Quang Phòng -  Phó chủ tịch VCCI cho biết các DN Việt đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường EU, một trong những nguyên nhân là chất lượng rau quả Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như cơ cấu các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao, sản lượng và chất lượng chưa ổn định… 

hang-Viet-564-JPG-7698-1653375828.jpg

Muốn chiếm thị phần lớn tại châu Âu, ngành rau quả Việt phải chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, áp dụng phương pháp trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP...

Các DN Việt Nam cũng ít có cơ hội tiếp cận thị trường bởi công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nông sản thực phẩm Việt Nam còn hạn chế, mẫu mã bao bì chưa đáp ứng yêu cầu và chưa thu hút sự chú ý của người tiêu dùng châu Âu… Một cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực của ngành là nhu cầu thiết yếu đặt ra với các cơ quan chức năng. 

Đánh giá EU là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có không ít các hàng rào kỹ thuật khắt khe vì chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, các chuyên gia cho rằng muốn nâng cao thị phần rau quả Việt tại châu Âu, ngành này phải có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, phải áp dụng phương pháp trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP... để có thể truy xuất nguồn gốc từng khâu trong giai đoạn tạo ra sản phẩm. 

Bên cạnh đó, DN cũng phải tìm hiểu thông tin về thị trường, từ thị hiếu tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn an toàn… của từng quốc gia, bởi ngoài quy định chung về an toàn thực phẩm theo chuẩn chung châu Âu, một số nước như Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch… còn có những tiêu chuẩn riêng, chẳng hạn như giới hạn dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật. 

Ngoài ra, DN cần chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn và  bảo vệ thương hiệu để có thể thâm nhập thị trường châu Âu bền vững.

Để giúp DN nông sản “khai phá” thị trường EU, VCCI phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các DN vừa và nhỏ trong ngành rau quả và gia vị Việt Nam”. Theo đó, dự án hỗ trợ DN Việt Nam trong 3 ngành (gia vị, rau, quả) tăng doanh số xuất khẩu vào thị trường EU. Các hoạt động gồm: hỗ trợ DN tuân thủ các quy định của thị trường EU và được nhận chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, thực hành bền vững; tạo cơ hội để DN kết nối kinh doanh với đối tác EU; nâng cao năng lực của ngành và danh tiếng của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Dự án triển khai trong 2 năm, từ năm 2022 đến 31/12/2023.

Minh Hào