Những vấn đề cốt lõi để TTCK phát triển bền vững
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:06, 25/05/2022
Cần nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển bền vững |
Tăng trưởng quá nóng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá là đang phát triển mạnh mẽ, là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế và cũng là kênh đầu tư tiềm năng. Tính đến tháng 3/2022, về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 ASEAN sau Thái Lan với giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên.
Thế nhưng, những tháng qua, thị trường tăng quá trưởng nóng khi đạt đến gần 93% GDP. Quy mô thị trường cũng tăng rất nhanh, từ mức khoảng 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2019 lên tới 7,7 triệu tỷ đồng năm 2021. Cùng với đó, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường cũng liên tục lập kỷ lục. Năm 2019, chỉ khoảng 2,3 triệu tài khoản nhưng đến năm 2021 đã lên đến 4,3 triệu tài khoản. Chỉ trong 2 năm đã tăng lên khoảng 2 triệu tài khoản mới, bằng cả 20 năm qua. Chỉ số VN-Index cũng tăng từ 1.000 điểm trong năm 2019 lên hơn 1.500 điểm vào tháng 3/2022.
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 25/5/2022, GS - TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là giai đoạn tăng trưởng nóng, tạo ra sự trồi sụt của thị trường gần đây.
Khoảng 2 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Trong đó, nhiều người chưa đủ thông tin, không rành về doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực gì, tham gia sao... Họ đầu tư theo cảm nhận cá nhân và theo đám đông, chứ không phải dựa trên cơ sở có phân tích, có đánh giá, và khi thị trường nóng, đang tăng trưởng thì đổ xô vào mua, rồi khi thị trường rung lắc, có suy giảm thì sẽ rút ra, càng tạo sự chao đảo thị trường, phản ánh tính chất không chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước và hệ thống về thể chế, pháp luật cũng bộc lộ những điểm yếu, dẫn tới việc lũng đoạn thị trường của một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư dẫn dắt. Hệ quả trực tiếp là những nhà đầu tư cá nhân, những người mới tham gia thị trường ở giai đoạn nóng, mua với giá cao, giờ thị trường sụt giảm với giá thấp sẽ thua lỗ.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu - Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu Công ty Quản lý Quỹ Vincapital, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo (trên 90% giao dịch trên thị trường) là rất khác thường so với thế giới. Ở các nước, TTCK có sự tham gia nhiều của các định chế tài chính, như vậy mới giảm hoạt động đầu cơ, bơm thổi giá chứng khoán.
Hiện nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch, DN đang cần huy động vốn. Và thị trường chứng khoán đang trở thành kênh huy động vốn các nhà đầu tư cá nhân để trở thành nguồn vốn của DN và nền kinh tế. Thế nhưng, chính sự tăng trưởng quá nóng, và những địa chấn thời gian qua đã khiến thị trường “bốc hơi” 50 tỷ USD.
Cần nâng chất lượng quản lý
Theo bà Hoài Thu, để thị trường lành mạnh, phát triển bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán cần có cơ chế theo dõi những biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu DN giải trình. Bởi, DN không có hoạt động gì đột biến thì cổ phiếu không thể tăng trần liên tục được. Và nếu kiểm soát chặt việc này sẽ hạn chế được giao dịch nội gián và tình trạng "bơm thổi" cổ giá cổ phiếu do một hay vài nhóm nhà đầu tư nào đó thực hiện. Đồng thời cần quy định rõ hơn về thông tin nội gián, có quy chế chia sẻ thông tin sao cho công bằng với tất cả các nhà đầu tư.
Cũng theo bà Hoài Thu, ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián sẽ bị xử lý hình sự, còn ở ta chưa chặt chẽ nên vì quan hệ thân thiết, nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường, khi nhà đầu tư biết đã quá muộn.
Thị trường chứng khoán phải chống các thông tin thao túng thị trường, nâng cao quản lý, chống hành vi nội gián gắn với phát triển công nghệ |
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, TTCK thời gian qua cũng tương tự giai đoạn 2007 - 2009. Hiện cơ quan quản lý nhà nước đang có những động thái rất tích cực để có những DN niêm yết uy tín và lành mạnh.
“Thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán cần chấn chỉnh quyết liệt hơn, tạo thị trường minh bạch, rõ ràng, có sân chơi bình đẳng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, quy mô thị trường đã tăng trưởng vượt trội, trong khi hệ thống quản lý cả về thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, con người, công nghệ… đều có những yếu tố không theo kịp. Vấn đề lớn nhất của thị trường và lành mạnh hoá thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá… Tất cả những thông tin đó có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, phải kiểm soát, minh bạch hoá thị trường.
“TTCK phải ngay lập tức chống các thông tin thao túng thị trường, nâng cao quản lý, chống hành vi nội gián gắn với phát triển công nghệ thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Nếu xử lý tốt vấn đề này, thị trường sẽ phát triển tốt, trở thành kênh thu dẫn vốn phù hợp với sự phát triển kinh tế Việt Nam”, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất.