Đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 26/05/2022
Theo báo cáo kinh tế số từ Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số Internet - nền tảng số đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2021, kinh tế số đạt giá trị khoảng 21 tỷ USD, đóng góp 5% GDP cả nước, tăng gấp 7 lần so với năm 2015.
Điều này cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng chuyển đổi số đã đem lại sự tăng trưởng cao cho nền kinh tế số. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt là việc ứng dụng, phát triển các nền tảng chuyển đổi số.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP. Tức là trong thời gian tới, tỷ trọng của kinh tế số đóng góp cho GDP sẽ tăng thêm 15% so với hiện nay. Mục tiêu này là thách thức không nhỏ của tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số.
Để phát triển kinh tế số nhanh chóng, Việt Nam cần có sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là sự tham gia của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm tại Việt Nam, để cùng chung tay thúc đẩy chuyển đổi số.
VINASA cũng đề cập đến phần việc của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong công cuộc chuyển đổi số. Đó là phát triển nền tảng cho các giải pháp chuyển đổi số có chất lượng cho doanh nghiệp tại Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu công nghệ mà quá trình các đơn vị chuyển đổi số sẽ áp dụng như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), công nghệ chuỗi khối (blockchain); tập trung nguồn lực, để hợp lực cùng nhau chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc.
Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tăng tốc chuyển đổi số đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin nhằm đem lại nhiều sản phẩm phù hợp cho người Việt. Tất cả 100 triệu dân gồm 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 800.000 doanh nghiệp, khoảng 70.000 nhà máy sản xuất, 44.000 trường học, 14.000 cơ sở y tế và khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải… đều cần có sản phẩm công nghệ số phù hợp để ứng dụng hiệu quả.
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã lựa chọn 35 nền tảng để ưu tiên triển khai trong năm 2022. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển các điểm xuất sắc, đăng ký để đánh giá công nhận là những nền tảng số đạt tiêu chí, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương sử dụng.