Tháo điểm nghẽn thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 05:38, 27/05/2022
Thị trường BĐS Việt Nam cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn |
Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, luật chưa đồng bộ
Tại hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực BĐS” do Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 27/5/2022, TS. Trần Du Lịch cho biết thị trường BĐS đối diện với 2 điểm nghẽn: về thủ tục hành chính để đưa vốn vào dự án và dòng tiền đầu tư (như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp) bị ngưng trệ.
Hiện TP.HCM có hàng trăm dự án được doanh nghiệp (DN) đầu tư lớn nhưng không bán được. Ở các thành phố khác trong cả nước, nhiều dự án bị tắc làm cho lượng cung nhà ở không đáng kể, mất cân đối cung cầu khiến giá nhà đất bị đẩy lên rất cao.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, các cuộc đấu giá đất gần đây đã tác động tiêu cực đến mặt bằng giá, lượng giao dịch, giải phóng mặt bằng, đền bù... Giá BĐS các loại đất nền, biệt thự, chung cư hiện vẫn tăng cao.
Ở góc độ pháp lý, LS. Ngô Thị Vân Quỳnh - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT&Partners, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích, có nhiều luật liên quan đến BĐS chưa được sửa đổi đồng bộ nên còn nhiều chồng chéo, bất cập.
Đó là chưa kể các quy định, tên gọi cũng rắc rối, lúc gọi là DN có vốn đầu tư nước ngoài, lúc lại gọi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; hay lúc gọi là nhà đầu tư, lúc lại là chủ đầu tư…
Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn có thêm các quy định khác ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn đầu tư, chẳng hạn như các nhà đầu tư nước ngoài khi M&A các dự án tại các đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và ven biển phải bảo đảm yếu tố quốc phòng, an ninh.
Không chỉ vậy, quá trình xét duyệt dự án đầu tư BĐS thường kéo dài, nên đến khi có thay đổi luật thì phải rà soát lại hoặc điều chỉnh, làm lại hồ sơ. “Có rất nhiều dự án thuộc diện phải rà soát lại về mặt pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra... kéo dài, liên quan đến các quy định của pháp luật trong nhiều thời kỳ nên rất phức tạp”, bà Vân Quỳnh nêu thực tế.
Cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ và tăng nguồn quỹ đất sạch
BĐS là lĩnh vực thu hút được vốn FDI lớn thứ hai, sau lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, chiếm hơn 30% tổng vốn FDI đăng ký (số liệu cuối tháng 3/2022). Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với lĩnh vực BĐS rất lớn, cộng với nguồn tiền không hề thiếu, nhưng việc tìm kiếm được đối tác, dự án, quỹ đất, thủ tục, quy trình… rất nhiêu khê.
Vì vậy, theo bà Vân Quỳnh, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất. Riêng với TP.HCM, bà Vân Quỳnh đề xuất tăng cường quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Nhà nước chủ động lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư song song với việc đẩy mạnh đầu tư kết nối hạ tầng khu vực để gia tăng cơ hội phát triển cho các địa phương và phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông về đất đai, quy hoạch, dự án, quy trình, thủ tục...
TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu thị trường BĐS ngưng trệ sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế bởi BĐS là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế, chưa kể với TP.HCM, thị trường BĐS thúc đẩy nhiều ngành phát triển, trong đó có ngành xây dựng.
Vì vậy, “Cần tháo gỡ những điểm nghẽn, đặc biệt là phải giải quyết vấn đề nhà ở tại các khu công nghiệp hay các dự án nghỉ dưỡng. Với những dự án đang vận hành tốt hãy tạo dòng vốn vận hành để sớm đưa vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc sử dụng dòng tiền, dòng vốn phải có địa chỉ và không nên cào bằng giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp (đầu cơ). Làm sao để đưa dòng vốn hữu hạn đến được các dự án”, TS. Trần Du Lịch đề xuất.