Stress huỷ hoại cơ thể như thế nào?
Sống khỏe - Ngày đăng : 03:15, 27/05/2022
Khi bị stress, não sẽ giải phóng một loạt hormone, như cortisol, epinephrine (còn gọi là adrenaline) và norepinephrine, dẫn đến các thay đổi về sinh lý. Các thay đổi này là phản ứng tự vệ của cơ thể, nhằm ứng phó với các yếu tố được cơ thể xem là mối đe dọa, nguy hiểm.
Tuy nhiên, các phản ứng này có thể xảy ra cả khi cơ thể không đối mặt với các tình huống thực sự nguy hiểm đến tính mạng, như áp lực công việc, tắc đường, gánh nặng tài chính, xung đột gia đình. Và, việc cơ thể phải trải qua phản ứng tự vệ kéo dài theo thời gian sẽ gây tổn hại đến thể chất lẫn tinh thần.
"Mọi người đều hiểu rõ về các yếu tố gây căng thẳng lớn, song thường bỏ qua những áp lực nhỏ nhặt, tích tụ, dần dần gây hại", Janice Kiecolt-Glaser - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học Hành vi, Đại học bang Ohio, nói.
Dẫn nghiên cứu từ nhiều chuyên gia, tờ Washington Post cho biết tình trạng stress kéo dài sẽ gây tổn hại cho não, dù các dạng stress cấp tính, như áp lực công việc hoặc xung đột với người thân, có thể có lợi trong thời gian ngắn. Lý do vì chúng khiến não tiết ra các hormone (như cortisol) giúp tạo động lực cá nhân, tăng sự tập trung và hiệu quả cho công việc, theo Wendy Suzuki - Giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học New York.
Tuy nhiên, nồng độ cortisol cao, kéo dài, kèm stress mạn tính hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) có thể làm tổn thương hồi hải mã của não - vùng não quan trọng với trí nhớ dài hạn. Việc tăng tiết cortisol trong thời gian dài cũng có thể làm tổn hại đến vỏ não trước trán - vùng não cần thiết cho sự tập trung và chức năng điều hành. Đây là khu vực cho phép con người lập kế hoạch, tổ chức, giải quyết vấn đề, suy nghĩ linh hoạt và kiểm soát các xung động.
Stress còn ảnh hưởng đến tim mạch, khiến nhịp tim và huyết áp tăng, bởi phản ứng tự vệ sẽ đẩy cơ thể vào trạng thái "hoặc chiến đấu hoặc bỏ chạy". Sau khi cảm giác căng thẳng giảm, cơ thể sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều này trên thực tế không phải lúc nào cũng xảy ra, nhất là với người bị stress triền miên.
"Cùng nhau, chúng gây tắc nghẽn các mảng động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ", Ahmed Tawakol - Giám đốc khoa Tim mạch hạt nhân tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard, cho biết. Stress kéo dài có thể làm thu hẹp mạch máu, tăng nguy cơ đông máu hoặc các biến cố về tim mạch. Một người trải qua stress cấp tính và stress mạn tính cùng lúc có thể bị đau tim hoặc đột quỵ, Tiến sĩ Tawakol nhận định.
Với hệ hô hấp, hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh và các hormone được giải phóng có thể dẫn đến hiện tượng khó thở. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển oxy và carbon dioxide trong máu, khiến thở gấp và nông, Neil Schachter - Giáo sư y khoa tại Trung tâm Y tế Mount Sinai, New York, giải thích. Cả stress cấp tính và mạn tính đều gây ra các cơn hen suyễn hoặc làm trầm trọng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Đối với hệ miễn dịch, trong giai đoạn stress, cortisol sẽ làm rối loạn hệ này. Đầu tiên là do tình trạng viêm nhiễm, vốn là căn nguyên của nhiều bệnh khác nhau, gồm tim mạch và sa sút trí tuệ. "Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng cytokine chống viêm (các protein ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch)", Kiecolt-Glaser cho biết.
Dù hiện tượng viêm trong thời gian ngắn có thể giúp cơ thể tự phục hồi, song viêm nhiễm quá nặng hoặc mạn tính có thể giết chết tế bào khỏe mạnh, khiến một người dễ bị nhiễm trùng hơn, kém phản ứng với vaccine và lâu lành vết thương. Đồng thời, cytokine gây viêm được giải phóng có thể di chuyển đến não và làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng xấu đến não bộ, tim mạch, hệ hô hấp, hệ miễn dịch, hệ tiêu hoá mà cả làn da. |
Bên cạnh đó, stress còn làm giảm nhu động đường tiêu hóa (làm chậm quá trình bài tiết), gây buồn nôn, đầy hơi hoặc táo bón, theo Cindy Yoshida - Giáo sư y khoa tại Đại học Virginia Health System. Stress cũng dẫn đến các thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến sự đa dạng của vi khuẩn lẫn chức năng hàng rào ruột.
Đồng nghĩa, các sản phẩm phụ của vi khuẩn từ thực phẩm có thể chảy ra ngoài đường tiêu hóa và vào hệ tuần hoàn, tạo ra phản ứng viêm và nội tiết tố. Các thay đổi này làm trầm trọng hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột. Nghiên cứu trên tạp chí PLOS One năm 2020 cho thấy stress tâm lý có liên quan đến bệnh Crohn (viêm ruột xuyên thành mạn tính) và viêm loét đại tràng.
Cuối cùng, stress có thể ảnh hưởng đến làn da. Trên thực tế, da là cơ quan chủ động, có hệ miễn dịch riêng và tương tác với não theo từng thời điểm. Khi bị stress, hệ thống miễn dịch của da được kích hoạt, thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến các bệnh về da như rosacea, vảy nến, phát ban và chàm. Theo Phó giáo sư da liễu Joshua Zeichner, Bệnh viện Mount Sinai, stress có thể cản trở khả năng giữ nước của làn da, khi dòng hormone tiết ra lúc stress sẽ thúc đẩy tuyến bã nhờn, gây tắc lỗ chân lông, sinh mụn trứng cá.
Để giảm stress, cần duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, ngủ sâu và đủ giấc, quản lý tốt suy nghĩ để làm ổn định tâm trạng của bản thân. Theo Giáo sư Tawakol, để làm dịu phản ứng của cơ thể, nên thực hiện các bài hít thở sâu, thư giãn cơ bắp, yoga hoặc thể dục nhịp điệu.