Khỉ đột vô hình và cú lừa của trực giác
Sách hay - Ngày đăng : 06:00, 28/05/2022
Hai tác giả sách là GS. tâm lý Christopher Chabris - giám đốc điều hành của một chương trình về khoa học thần kinh tại Đại học Union ở Schenectady, New York (Mỹ); và Daniel Simons - nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học nhận thức, và là giáo sư Khoa Tâm lý học ở Viện Beckman về Phát triển Khoa học và Công nghệ tại Đại học Illinois (Mỹ).
Cuốn sách đưa ra những trường hợp chứng tỏ con người thường vô ý bỏ qua những gì ở ngay trước mắt khi quá tập trung vào một việc cụ thể, dẫn tới hậu quả khôn lường, như một cảnh sát chạy ngang qua hiện trường một vụ hành hung nhưng không nhận ra, một vị hạm trưởng tàu ngầm không thấy chiếc ngư thuyền trong tầm mắt, một tài xế không chú ý tới người chạy xe máy, một phi công không thấy chướng ngại vật trên đường băng...
Có nhiều doanh nghiệp đã tạo ra hàng triệu USD nhờ tận dụng những ảo tưởng phổ biến của con người. Một trong số đó là việc quảng cáo loại headset đeo tai để nghe điện thoại trong lúc lái xe. Luật giao thông cấm tài xế sử dụng điện thoại di động cầm tay khi đang chạy xe trên đường, nhưng không cấm tài xế đeo headset. Tờ quảng cáo của công ty AT&T Wireless đã tuyên bố: “Nếu sử dụng điện thoại không dây trong khi lái xe, bạn có thể giữ cả hai bàn tay trên tay lái”.
Chabris và Simons cho rằng, không có nhiều khác biệt giữa khả năng gây phân tâm của điện thoại cầm tay và điện thoại rảnh tay, vì bản chất việc nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe đòi hỏi khả năng đa nhiệm của người sử dụng. Càng chú tâm vào cuộc nói chuyện, tài xế sẽ càng xao lãng những gì diễn ra trước mắt, dễ dẫn đến tình trạng mù vô ý, thế nên quảng cáo headset đeo tai an toàn hơn điện thoại cầm tay là hoàn toàn sai lầm và lợi dụng niềm tin của người dùng.
Tin rằng cuốn sách sẽ giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về cách tâm trí hoạt động, vượt qua hoặc giảm thiểu tác động của những ảo tưởng ở mức tối đa, từ đó sống và đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn.