6 môn thể thao giúp kéo dài tuổi thọ

Sống khỏe - Ngày đăng : 07:29, 29/05/2022

Chạy bộ, đạp xe, bơi lội, bóng đá, cầu lông, tennis là 6 môn thể thao giúp tăng tuổi thọ đáng kể cho những ai thường xuyên luyện tập. Đây là kết luận sau 25 năm nghiên cứu, theo dõi 8.500 người chơi thể thao của các nhà khoa học Đan Mạch.
6 môn thể thao giúp kéo dài tuổi thọ

Chạy bộ (tăng 3,2 năm tuổi thọ)

Một nghiên cứu cho hay, chạy bộ ở bất kỳ cự ly nào đều có thể làm giảm 27% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó, chạy bộ giúp giảm 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm 23% nguy cơ tử vong do ung thư. Những người chạy bộ thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim từ 35 đến 55%. Bên cạnh đó, chạy bộ còn giúp cơ xương thêm khỏe khoắn và linh hoạt, tăng cường lưu lượng máu, điều hòa huyết áp và cholesterol. Các nhà nghiên cứu cho hay, ngay cả khi chỉ chạy bộ 1 lần/tuần, khoảng dưới 50 phút/lần với tốc độ dưới 10km/giờ vẫn đạt được những lợi ích đáng kể về sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Bơi lội (tăng 3,4 năm tuổi thọ)

Nghiên cứu gần đây nêu rõ, việc đưa môn bơi lội vào chế độ tập luyện của những người bị thoái hóa khớp giúp giảm nhẹ cảm giác đau nhức và cứng khớp. Không những thế, khi bơi lội, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone endorphin tạo cảm giác hưng phấn cho người tập, góp phần chống lại chứng trầm cảm, lo lắng và giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, chăm chỉ tập bơi sẽ thúc đẩy hoạt động của tim, làm giảm nguy cơ cao huyết áp và tiểu đường.

Đạp xe (tăng 3,7 năm tuổi thọ)

Trước hết, đạp xe là biện pháp giảm cân lý tưởng. Theo một nghiên cứu của Anh, đạp xe 30 phút mỗi ngày sẽ đốt cháy gần 5kg chất béo trong vòng một năm. Một thống kê khác chỉ ra, những người đạp xe đi làm tiếp xúc với ô nhiễm ít hơn từ 2-3 lần so với những người đi ôtô, do đó chức năng phổi của họ được cải thiện. Nghiên cứu quy mô lớn ở Phần Lan cho thấy, những người đạp xe hơn 30 phút/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 40%.

Đá bóng (tăng 4,7 năm tuổi thọ)

Bóng đá được xem là bộ môn kết hợp giữa chạy bền, chạy tăng tốc và chạy tiếp sức. Tất cả bài tập chạy này làm tăng sức mạnh của tim, giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong lòng mạch, phòng tránh các bệnh lý tim mạch, đồng thời kích thích phát triển cơ bắp và xương khớp. Cũng như bơi lội, chơi đá bóng có thể làm tăng sản xuất endorphin - hormone hạnh phúc giúp cải thiện tâm trạng, giảm stress và lo âu. Môn thể thao  này cũng giúp đốt calo, ngăn tích tụ mỡ thừa, giúp kiểm soát tốt các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Cầu lông (tăng 6,2 năm tuổi thọ)

Chơi cầu lông đều đặn sẽ xây dựng nên cơ bắp dẻo dai và khớp xương chắc khỏe. Đặc biệt, bộ môn này giúp tăng cường cơ tim, cải thiện lưu lượng máu, giảm cholesterol và giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Khi chơi cầu lông, mồ hôi đổ từ đầu đến chân sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố ra ngoài nhiều hơn. Người ta còn phát hiện, cầu lông giúp giảm khó thở và giảm nguy cơ tử vong đối với một người chơi thường xuyên là 23% trong 20 năm.

Tennis (tăng 9,7 năm tuổi thọ)

Tennis là môn thể thao đốt cháy nhiều calo nhất, có thể tiêu hao tới 630 calo mỗi giờ tập luyện. Những người chơi tennis 3 giờ mỗi tuần (ở cường độ vừa phải) có thể giảm 50% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. Hơn nữa, tennis còn giúp người chơi hoạt bát, lạc quan và vui vẻ hơn, từ đó giảm các vấn đề về tâm thần, thần kinh như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, tức giận... Đặc biệt, chơi tennis kích thích tạo ra các kết nối thần kinh mới, thúc đẩy quá trình phát triển liên tục của não bộ.

Lợi ích nâng cao sức khỏe tổng thể, kéo dài tuổi thọ của các môn thể thao là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng cao tối đa hiệu quả của việc chơi thể thao, phòng tránh chấn thương dẫn đến ngưng tập, người chơi thể thao cần chú ý tập luyện đúng cách và chăm sóc sức khỏe xương khớp cẩn thận. Xương khớp chắc khỏe thì mỗi người mới có thể thoải mái chơi bất kì môn thể thao nào mà mình yêu thích.

Theo đó, người chơi cần tìm hiểu và nắm vững kỹ thuật chạy bộ, đánh cầu lông, chơi tennis, bơi lội... rồi mới bắt đầu tập luyện; luôn khởi động làm nóng cơ thể trước khi chơi; uống đủ nước trong quá trình tập, không vận động quá sức và dừng tập khi bị đau nhức. Trường hợp chấn thương, cần đến các chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, để cơ thể nhận được nguồn năng lượng thiết yếu, đáp ứng tốt cường độ luyện tập, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất. Chủ động bổ sung một số tinh chất thiên nhiên chuyên biệt cho xương khớp sẽ giúp hệ xương khớp thêm linh hoạt, chắc khỏe.

HT