Thực thi Hiệp định EVFTA: Giải pháp trong bối cảnh mới cho doanh nghiệp Việt
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:28, 30/05/2022
TS. Lê Xuân Sang: Doanh nhân phải có “Tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương nước sở tại”, phải nỗ lực tự “thoát ra”, tránh sa vào hiệu ứng “ếch bị luộc chín” |
Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) từ tháng 8/2020 đã mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam và châu Âu.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp" do Hội DN quận Bình Tân tổ chức hôm 28/5, các đại biểu thông tin: năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 16,89 tỷ USD, tăng 15,3%; xuất siêu khoảng 23,23 tỷ USD.
Đến quý 1/2022 xuất siêu sang EU ước đạt 7 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực cho thấy Hiệp định EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả.
Theo dự báo, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 18%, tương đương 8 tỷ Euro, giúp GDP tăng thêm 0,48% điểm.
Trao đổi về việc thực thi Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới, TS. Lê Xuân Sang - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định các DN Việt Nam cần tích cực chủ động hơn nữa cả trong việc nắm bắt thông tin lẫn chuẩn bị nguồn lực để có thể sẵn sàng xâm nhập thị trường mới và chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng trong khối EU.
Chuyên đề "Thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp" thu hút sự quan tâm của hội viên Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân |
Tư duy mới trong bối cảnh mới
Thực hiện FVFTA, đòi hỏi DN phải có “Tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương, nước sở tại”, nắm rõ thông tin thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm..., để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường.
DN cũng cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương.
TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh các DN cần nâng cao năng lực, chuẩn bị nguồn hàng đủ sức cạnh tranh, chú trọng đào tạo nguồn lực có kiến thức về xuất xứ hàng hoá nói chung và quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định EVFTA nói riêng, để có thể sẵn sàng tham gia vào cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong tương lai không xa.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina và khủng hoảng năng lượng, lương thực, DN Việt nên chủ động tìm hiểu, có thể tham gia M&A các DN EU và Nga tại 2 thị trường này; rà soát, liên kết nhằm tạo lập kênh, thị trường mới, chiếm lĩnh thị phần, mặt hàng, sản phẩm thị trường nước sở tại; xâm nhập thông qua kênh EVFTA; chủ động tham gia vào dự án vận tải đường sắt qua Trung Quốc, châu Á, Nga, EU để giảm thiểu chi phí vận tải và giảm nhẹ bất trắc theo đường biển.
Truy xuất nguồn gốc qua mã vạch, QR code... là giải pháp ưu việt
Truy xuất nguồn gốc nông sản qua mã vạch và QR code... là giải pháp ưu việt xuất khẩu nông sản sang EU |
Để mở rộng thị trường nông sản Việt Nam sang các nước khác trên thế giới, truy xuất nguồn gốc qua mã vạch và QR code... được xem như một giải pháp ưu việt và một xu thế tất yếu cho hàng hóa Việt Nam sang EU. DN xuất khẩu phải sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. DN sản xuất phải biết đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm
Theo TS. Lê Xuân Sang, DN xuất khẩu phải chú trọng việc phát triển và khai thác các vùng trồng nguyên liệu trong nước, tăng cường khả năng chế biến để có thể đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá của Hiệp định EVFTA. Nông sản Việt Nam phải chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, áp dụng phương thức trồng trọt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP.
Bên cạnh đó, các DN cần liên kết với người nông dân, tập đoàn hoặc tập hợp thành mô hình HTX để dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ vào quá trình trồng trọt và thu hoạch. Các DN, HTX sản xuất nông sản cần chú trọng đến việc xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Ngoài ra, các DN xuất khẩu nông sản cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng nguyên liệu trong khu vực Hiệp định.