Kinh tế đêm: Nhìn người, ngẫm ta
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 30/05/2022
Nhìn từ các quốc gia trên thế giới...
Kinh tế ban đêm ở Sydney (Úc) mỗi năm tạo ra 234.000 việc làm, doanh thu 27,2 tỷ USD.
Tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), hầu hết thành phố lớn đều có nền kinh tế ban đêm phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma, Vénice, Geneva, Zurich... Chính phủ các nước EU phân quyền và khuyến khích chính quyền các thành phố khai thác kinh tế đêm gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực.
Nước Anh có hẳn một ngành công nghiệp ban đêm tạo giá trị khoảng 6% GDP. Từ năm, 2016, thị trưởng London hướng tới mục tiêu đưa London trở thành "thành phố 24 giờ". Hiện thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, mang lại hơn 700.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố.
Tại New York (Mỹ), năm 2018 kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại 12 tỷ USD và tạo ra 141.000 việc làm, các quán bar thu về 2 tỷ USD, các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh cho đến sân khấu kịch tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.
Bắc Kinh (Trung Quốc) đứng thứ 6/10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới và sẽ tiếp tục khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm. Chính quyền thành phố này cho biết sẽ tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh hướng tới mục tiêu sau năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động 24/24.
Nhiều thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc có kế hoạch kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng đồng hồ để thúc đẩy kinh tế ban đêm. Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy ngành công nghiệp ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Chính phủ Trung Quốc có chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm.
...Đến thực tiễn trong nước
Việt Nam có hàng trăm khu kinh tế các loại trên khắp 63 tỉnh, thành phố, song cho đến nay vẫn chưa có một khu kinh tế ban đêm đúng nghĩa.
Ngay như tại TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế, hội tụ nhiều nền văn hóa, ẩm thực và là điểm đến luôn thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhưng sản phẩm kinh tế đêm của thành phố còn nghèo nàn, không có bản sắc.
Trong buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng về phát triển kinh tế đêm ở huyện Cần Giờ hồi cuối tháng 11/2021, ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thừa nhận hoạt động kinh tế của huyện chủ yếu diễn ra vào ban ngày, chỉ có khoảng 3-4% khách đến và ở lại ban đêm, mức chi tiêu chỉ khoảng 500.000 đồng/người/ngày. Nguyên nhân là do du lịch Cần Giờ còn thiếu yếu tố hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú qua đêm như hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ phục vụ khách; thiếu khu vui chơi, mua sắm, giải trí về đêm.
Phát triển kinh tế đêm là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP.HCM).
TP.HCM có nền văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, có lượng dân số trẻ và mức độ hội nhập toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, tuy nhiên sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu là sản phẩm "cứng", khá đơn điệu và chỉ tập trung trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển.
Để giải quyết những tồn tại này, UBND huyện Cần Giờ đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế về đêm và xây dựng khu ẩm thực đêm, trước mắt là khu ẩm thực thủy hải sản với kỳ vọng là cú hích cho các mô hình cộng sinh khác.
Các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho rằng, phát triển kinh tế đêm cần phải được quy hoạch cụ thể về không gian, phạm vi. Tách khu kinh tế đêm ra khỏi khu dân cư nhằm tránh những tác động đến cuộc sống của cộng đồng. Cần triển khai những khu phố đêm thí điểm và nhân rộng mô hình ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Các doanh nghiệp du lịch cũng cần sự hỗ trợ về không gian triển khai kinh tế đêm, về chính sách giảm, miễn thuế, phí.