Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh
Bất động sản - Ngày đăng : 03:50, 30/05/2022
Khan hiếm nguồn cung
Hiện thị trường BĐS khan hiếm ở tất cả các phân khúc. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41% so cùng kỳ 2021; trong đó, số căn hộ bằng khoảng 49%.
Hiện cả nước có 1.216 dự án với 332.387 căn hộ đang xây dựng, chỉ bằng 88% so cùng kỳ 2021. Trong đó, chỉ có 39 dự án mới với 18.660 căn hộ được cấp phép, bằng 80% so với quý IV/2021 và bằng 41% so cùng kỳ năm ngoái, tạo ra sự khan hiếm.
Bên cạnh đó, số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều rất ít nên nhà ở, đất ở đã tăng cao so với thu nhập của người dân.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) cho biết, thị trường BĐS có hàng trăm dự án đang "tắc" vì nhiều lý do. Liên tiếp từ năm 2015 đến nay, thị trường BĐS thiếu hụt trầm trọng nguồn cung dự án dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Trước đó, mỗi năm có khoảng 30.000 căn nhà ở xây mới được chào bán nhưng những năm gần đây chỉ còn 16.000 căn/năm. Đáng nói là thị trường lệch pha, thiếu hụt nhà ở có giá phải chăng.
“TP.HCM là địa phương phát triển nhà ở xã hội tốt nhất cả nước nhưng trong 5 năm qua cũng chỉ đưa ra được 15.000 căn, đạt 75%, cả nước đạt 41%”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Theo các chuyên gia BĐS, có nhiều lý do khiến nguồn cung khan hiếm nhưng tựu trung vẫn là do yếu tố pháp lý và việc siết chặt tín dụng… Hiện hành lang pháp lý cho ngành BĐS có khoảng 12 luật, các quy định trong luật lại có sự đan xen, chồng chéo. Điều đó khiến cho việc phê duyệt các dự án chậm hơn so với kế hoạch, hình thành chi phí vô hình cho các DN BĐS. Chưa kể, có rất nhiều trường hợp dự án đã huy động vốn từ khách hàng, nhưng thủ tục cấp giấy phép xây dựng bị chậm, vốn của khách hàng bị “ngâm”, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, việc tín dụng cho BĐS bị siết chặt khiến nguồn tài chính của các DN BĐS eo hẹp, DN đối mặt với việc thiếu tiền để hoàn thiện và đưa dự án vào vận hành.
Kênh BĐS thu hút vốn FDI đứng thứ 2, tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái
BĐS hiện là kênh thu hút vốn FDI khá lớn của nền kinh tế. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, giảm 16,3% so cùng kỳ 2021, trong đó nguồn vốn đổ vào kinh doanh BĐS đứng thứ hai, với gần 3 tỷ USD, chiếm gần 26% tổng vốn đăng ký, tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái (1,05 tỷ USD).
Nhìn lại 4 tháng đầu năm, vốn FDI vào BĐS cũng đạt hơn 2,8 tỷ USD trong khi cùng kỳ chỉ đạt 778 triệu USD. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 1,04 tỷ USD.
Còn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh BĐS. Vốn ngoại đổ vào BĐS ghi nhận tăng trong khi hai nguồn vốn quan trọng khác là vốn tín dụng ngân hàng và vốn từ phát hành trái phiếu DN đang bị kiểm soát chặt.
Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo thường niên về FDI mới đây, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận xét thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và họ góp vốn thông qua nhiều hình thức như mua lại các tập đoàn hay góp vốn vào các tập đoàn trong nước. Nguồn vốn FDI chủ yếu rót vào các dự án “vàng”, dự án có diện tích lớn, vị trí đẹp.
Ông Long cũng dự đoán năm 2022 sẽ có sự gia tăng đột biến dòng vốn FDI đổ vào thị trường BĐS trong bối cảnh du lịch phục hồi và xu hướng xây dựng các thành phố thông minh trong cả nước, trong đó, M&A tiếp tục là hình thức thu hút nhất.