Hành trình từ TP.HCM đến Helsinki của "Thiếu phụ áo vàng"
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:00, 31/05/2022
Năm 2008, Dino Hiền vẽ bức tranh từ nguyên mẫu là người bạn đời yêu thương của anh. Lúc bấy giờ, gia đình nhỏ của anh chưa sang định cư ở nước ngoài, mà nơi họ đặt chân đến đầu tiên là Latvia - xứ sở xinh đẹp và yên bình bên bờ vịnh Baltic.
Được vẽ với chất liệu acrylic, Thiếu phụ áo vàng chưa từng đến với một cuộc triển lãm nào trong nước cũng như khi đã phiêu du đến những phương trời xa. Lý do đơn giản đó là tác phẩm "đã ra đời theo cách mà tôi thích nhất" theo lời họa sĩ, cũng như được vợ và hai cô con gái nhỏ của anh rất yêu thích.
Tác giả và nhà sưu tập bên bức Lady |
Tranh được treo trên tường nhà anh khi còn ở Thủ Đức (TP.HCM), rồi ở căn hộ tại thủ đô Riga của Latvia trước khi đến với Helsinki. Ở đây, có một thời gian Thiếu phụ áo vàng được mượn để trưng bày tại Papu Cafe - một nhà hàng mà chủ nhân cũng là người Việt định cư tại Phần Lan.
Khai trương từ năm 2015, Papu Cafe không chỉ là một địa chỉ ẩm thực được nhiều người biết đến ở khu phố cổ Mariankatu của Helsinki, mà còn là một không gian nghệ thuật với Gallery Papu - nơi thường xuyên triển lãm tranh tượng của các nghệ sĩ tạo hình ở địa phương. Mỗi tháng, Gallery Papu lại giới thiệu tác phẩm mới của một tác giả mới.
Sau đó, bức tranh được trưng bày tại gallery chuyên nghiệp Arttogether của Helsinki như một lời giới thiệu về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống. Gallery Arttogether cũng là nơi Dino Hiền gửi gắm các tác phẩm mới nhất của anh được sáng tác tại Phần Lan quê mới, nơi tranh của anh đã đến với nhiều nhà sưu tập bản xứ.
Krisse Salminen bên bức Góc phố |
Thế rồi vào một buổi chiều cuối tuần của tháng 5/2022, có một nhà sưu tập nữ đến Gallery Arttogether. Helena - tên nhà sưu tập ấy, đã lập tức bị thiếu phụ áo vàng trong tranh mê hoặc từ cái nhìn ban đầu.
"Tôi bị cuốn hút bởi nguồn năng lượng của người phụ nữ trong tranh. Vẻ đẹp khỏe khoắn và sự tự chủ trong cuộc sống được thể hiện qua tư thế của người phụ nữ trong tranh đã chinh phục tôi, và tôi muốn sở hữu ngay bức Lady (tên được đặt tại phòng tranh của bức Thiếu phụ áo vàng)... Tôi sợ sẽ có người cướp mất Lady", Helena tâm sự.
Dù ít nhiều tiếc nuối khi phải chia tay với một tác phẩm đã gắn bó với anh và gia đình suốt 15 năm qua, nhưng Dino Hiền đành phải tạm biệt người phụ nữ trong chiếc áo dài vàng sau 15 năm luôn "nhìn nhau". Không thể khác được khi mà một tác phẩm nghệ thuật đã tìm được sự đồng cảm nơi nhà sưu tập.
"Hành trình nghệ thuật là một con đường dài, có khi dài bằng cả cuộc đời! Và gặp được người yêu thích tranh của mình đó là hạnh phúc không dễ gì có được", Dino Hiền chia sẻ.
Trước đó không lâu, cũng tại Gallery Arttogether, có một người khách đặc biệt đã đến và sưu tập bức tranh Góc phố (Street Corner) trong loạt tranh Phố tình yêu của Dino Hiền. Đó là Krisse Salminen - một diễn viên, nghệ sĩ đang lên ở Helsinki. Krisse Salminen đến cùng chồng cô, cả hai cùng thích bức tranh. Điều quan trọng nữa là cô ấy đã đồng ý để Dino Hiền vẽ chân dung cho cuộc triển lãm sắp tới của anh, sẽ có tên là Chân dung Helsinki.