Trở thành một phụ huynh xây dựng nội lực cho con
Gia đình - Ngày đăng : 06:00, 01/06/2022
Dưới đây là những phân tích của Tiến sĩ Lea Waters về cách trở thành một phụ huynh nuôi dưỡng nội lực cho con.
Thiên kiến tiêu cực
Một hoạt cảnh thường diễn ra trong hầu hết các gia đình là: Cha mẹ về đến nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhìn thấy con đang chơi điện tử trên máy tính hoặc chơi điện thoại, dù chỉ mới ngày hôm trước con đã được nhắc nhở về việc tiết giảm thời gian dùng màn hình điện tử. Và bạn đoán được chuyện gì xảy ra rồi đấy: Cha/mẹ nổi cáu và lớn tiếng nhắc nhở, thậm chí la mắng, còn con thì tức giận khi lời giải thích rằng con chỉ vừa mới mở máy lên 5 phút trước không được tin. Cả hai đều thấy người kia không hiểu mình.
Chúng ta thường quá tập trung vào những điều con làm ta lo lắng, thay vì những điều con làm ta nhẹ nhõm, tự hào. Nhưng vì sao chúng ta thấy khó cưỡng lại được thói quen chỉ trích, càu nhàu và lo âu? Vì chỉ trích là một cơ chế đã thiết lập sẵn trong não bộ con người. Cơ chế "thiên kiến tiêu cực" là di sản mà tổ tiên xa xưa để lại trong não bộ con người hiện tại, khiến chúng ta nhanh chóng phát hiện vấn đề trong môi trường sống hơn là tìm ra những chuyện tốt lành. Tôi gọi cơ chế này là "hội chứng cửa sổ bẩn".
Cụ thể, chúng ta không thường để ý đến một chiếc cửa sổ được lau dọn sạch sẽ. Nhưng với một cửa sổ bẩn, chúng ta sẽ chú ý ngay lập tức. Không những vậy, chúng ta sẽ vô cùng để ý đến các phần cụ thể đang bị bẩn trên cửa sổ ấy, và khi đó, chúng ta không còn nhìn thấy những phần sạch sẽ khác của cửa sổ hay khung cảnh tươi đẹp bên ngoài.
Chuyện này tương tự như cách chúng ta dạy con. Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng ta thường xem đấy là điều hiển nhiên; nhưng khi có vấn đề xảy ra, "vết bẩn trên ô cửa sổ" ngay lập tức hút lấy sự chú ý của chúng ta, làm cho ta không còn nhìn thấy những những chỗ sạch sẽ và dễ thương khác trên ô cửa nữa.
Nhưng tin vui là nếu chúng ta học được cách chuyển hướng sự chú ý vào những điểm mạnh của con (phần tươm tất của ô cửa sổ), chúng ta có thể vượt qua được thiên kiến tiêu cực, xoá đi vết bẩn, và ngăn chặn vấn đề bị thổi phồng lên thành xung đột một cách không cần thiết. Trong suốt quá trình này, chúng ta cũng xây dựng và nuôi dưỡng sức bền, nội lực và sự tích cực cho con.
Sức mạnh của cha mẹ xây dựng nội lực
Các nhà tâm lý học đã tìm thấy hai cấu phần quan trọng của nội lực, đó là tài năng và phẩm chất. Tài năng là những khả năng có thể quan sát được, như khả năng chơi thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, công nghệ thông tin, hay giải quyết vấn đề... Phẩm chất là những đặc điểm tính cách cá nhân và gắn với nội lực bên trong, như ý chí, sự tò mò, lòng can đảm, khiếu hài hước hay sự tử tế…
Thông thường chúng ta chỉ tập trung vào tài năng của con, nhưng thực tế, cả hai cấu phần tài năng và phẩm chất đều song hành cùng nhau. Thực tế, khó có nhân tài nào mà không có những phẩm chất nổi bật, như Beatles không thể nổi tiếng nếu thiếu sự sáng tạo, hay Neil Armstrong không thể thành công nếu thiếu lòng quả cảm. Là người làm cha làm mẹ, chúng ta có thể nâng đỡ con bằng cách chú tâm nuôi dưỡng cả đặc điểm phẩm chất lẫn tài năng của con.
Những đứa trẻ và thanh thiếu niên có cha mẹ giúp chúng nhìn thấy và khai thác nội lực thường có chất lượng cuộc sống tinh thần và thể chất trọn vẹn. Chúng có nhiều trải nghiệm tích cực với cảm xúc, tận hưởng sự chú tâm trong trải nghiệm bất kỳ, kiên định, tự tin và hài lòng với cuộc sống. Những đứa trẻ này còn ít khi bị căng thẳng, có thể giải quyết tốt các vấn đề trong mối quan hệ bạn bè, cũng như quản lý tốt việc học và có điểm số cao.
Dĩ nhiên, tập trung vào nội lực không phải là câu trả lời giải quyết tất cả. Những cha mẹ tập trung vào nội lực của con thường giúp tăng những yếu tố tích cực trong đời sống tinh thần của con, nhưng không giúp giảm trạng thái lo lắng thường nhật. Nhưng việc thực hành hướng vào nội lực vẫn giúp cải thiện đời sống tinh thần lành mạnh và sự độc lập cho con mỗi ngày.
Là người làm cha làm mẹ, chúng ta có thể nâng đỡ con bằng cách chú tâm nuôi dưỡng cả đặc điểm phẩm chất lẫn tài năng của con |
Làm sao để tập trung vào nội lực của con?
Làm cha mẹ nuôi dưỡng nội lực là khi chúng ta tập trung chú ý để củng cố những điều con làm được, trước khi giúp con sửa chữa những sai lầm. Chúng ta giúp con tối ưu hoá tài năng và phẩm chất lành mạnh, và hướng dẫn con cải thiện nhược điểm và giải quyết vấn đề.
Việc đầu tiên và đơn giản có thể làm là ghi nhận điểm mạnh bất kỳ của con. Ví dụ: "Hôm nay, con đã quản lý thời gian rất tốt khi quyết định thu xếp cặp đi học trước khi đi ngủ", hay "Cảm ơn con đã làm bố/mẹ vui thế này"... Khi được cha mẹ thường xuyên ghi nhận các điểm mạnh, theo thời gian, con sẽ học được cách tự ghi nhận nội lực của mình.
Điều thứ hai là viết nhật ký nội lực. Vào mỗi cuối ngày, bạn hãy viết vào sổ tay hay ghi chú trên điện thoại ba điểm mạnh mà bạn nhìn thấy ở con. Nếu con bạn đã có điện thoại riêng, hãy nhắn tin ghi nhận những điểm mạnh này của con khi nhìn thấy con biểu hiện tài năng/phẩm chất đó.
Sau hai tuần, bạn có thể nhìn lại nhật ký nội lực này và viết một lá thư chia sẻ điều bạn nhìn thấy ở con trong suốt thời gian qua. Bạn cũng có thể lập hồ sơ nội lực của gia đình, đặt để nó ở nơi mà mọi người trong gia đình đều có thể nhìn/đọc nó, để cả nhà đều biết những điểm mạnh của nhau, và tạo thêm cơ hội để con thực hiện các điểm mạnh đó ở nhà.
Cuối cùng, lồng ghép điểm mạnh vào những câu hỏi hướng dẫn con. Khi con lo lắng về một bài tập hay sự kiện quan trọng sắp diễn ra, hãy hỏi con rằng: "Điểm mạnh nào con có thể dùng để vượt qua tình huống này?". Hay khi con có mâu thuẫn với bạn, hãy hỏi con: "Điểm mạnh nào con nghĩ là hai đứa đã bỏ quên nên dẫn đến việc cãi nhau như hôm nay? Con có thể sẽ sử dụng điểm mạnh nào của mình để làm lành với bạn nào?".
Nếu bạn kiên trì thực hành những kỹ năng này, bạn sẽ thấy bản thân dễ dàng thoát ra khỏi quán tính chỉ trích, phàn nàn và tập trung vào nuôi nấng nội lực cho con. Khi thử thách đến, hãy cùng con dùng các cách thức trên để xác định một điểm mạnh phù hợp giúp tháo gỡ vấn đề.
Lưu ý rằng nuôi dưỡng nội lực không đồng nghĩa với hành vi huyễn hoặc hay thổi phồng năng lực của con. Tương tự, tập trung vào nội lực không đồng nghĩa với phớt lờ vấn đề. Thay vì vậy, thực hành nuôi dưỡng nội lực giúp cả phụ huynh và các con xác định rõ được ưu điểm và nhược điểm của con. Hiểu rõ ưu điểm giúp con có cơ sở vững vàng để cải thiện những điều con còn hạn chế. Và cha mẹ trở thành người nâng đỡ, giúp con nhìn nhận nhược điểm của mình ở góc nhìn rộng mở hơn. Nhìn thấy trọn vẹn ô cửa sổ thay vì chỉ tập trung vào vết bẩn.