TP.HCM sẽ có thêm 4 thành phố trực thuộc
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 03/06/2022
Cầu Phước Lộc ở huyện Nhà Bè |
Theo đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2023, huyện Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM. Cụ thể, Cần Giờ sẽ phát triển và trở thành thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Huyện Củ Chi được đề xuất phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM với định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...
Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 với hướng phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Đồng thời, tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực của huyện này để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành logistics…
Huyện Bình Chánh định hướng chuyển thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Huyện Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…
Trong khi đó, huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Nhà Bè đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số…
Nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM ngày càng trở nên cấp thiết. Hoạt động quản lý nhà nước của 5 huyện này hiện nay còn một số vấn đề cần điều chỉnh. Hiện nay, tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng trong phát triển.
Qua đối chiếu các tiêu chuẩn khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè đã đạt phần lớn tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, huyện Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí.
Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn. Do đó, UBND TP.HCM và các sở, ban ngành cần dành nguồn lực tương xứng để thực hiện đề án, rút ngắn quá trình. Đồng thời, cần xác định các đặc thù của từng huyện để phát triển hợp lý.
Đa số ý kiến đều cho rằng, việc chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế của xã hội và nhu cầu phát triển của TP.HCM - đô thị lớn nhất Việt Nam. Việc chuyển đổi trên sẽ tạo ra nhiều thời cơ và cơ hội tốt cho việc đầu tư, giãn cách mật độ đô thị, tạo không gian sinh kế phát triển phù hợp. Đồng thời, việc chuyển đổi trên sẽ thúc đẩy sự phát triển đồng đều các khu vực theo hướng phát huy lợi thế, đặc thù và có sự tương hỗ lẫn nhau trong chuỗi các đơn vị chính quyền đô thị vệ tinh.
Ngoài ra, với việc chuyển từ huyện thành quận (hoặc thành phố), TP.HCM sẽ có cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn có tác dụng thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc, tham gia bộ máy công chức chính quyền tạo hiệu quả và cân đối với trình độ dân trí cao của đô thị; giúp hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiện đại, sáng tạo với số hóa và cải cách thủ tục hành chính ở mức cao giúp hoạt động hiệu quả, sáng tạo và mang lại chất lượng công việc cao.