5 cách để cha mẹ giúp con vượt qua sự tự chỉ trích
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 01:00, 05/06/2022
Tiến sĩ Hazel Harrison - một nhà tâm lý học lâm sàng với kinh nghiệm hơn 10, dùng hình ảnh “Quái vật chỉ trích" để nói về tình trạng tự trách móc bản thân. Dưới đây là những chia sẻ của tiến sĩ Harrison - trên trang Mindful về cách dạy con vượt qua sự tự chỉ trích.
Bạn có bao giờ từng nghe con nói những điều như: "Con không giỏi làm chuyện này", hay "Con thật là ngu ngốc", hay "tất cả đều là lỗi của con", thậm chí "đáng ra con không nên thử làm chuyện này"? Có một số bạn nhỏ có thể không quen nói to ra những ý nghĩ của bản thân, nhưng rất có thể các bạn ấy đang có những ý nghĩ ấy trong đầu. Những ý nghĩ này ngăn chúng tham gia vào những hoạt động nào đó hoặc bày tỏ ý kiến tại trường học, vì chúng đã bị thuyết phục rằng chúng không đủ giỏi để làm việc đó. Theo thời gian, những hành vi này có thể gia tăng và trở thành điều mà người lớn vẫn thường gọi, là sự tự chỉ trích.
Đối với con trẻ, dù sao, thì tôi vẫn muốn gọi sự tự chỉ trích là "Quái vật chỉ trích" để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của câu chuyện. Khám phá những ý nghĩ tự chỉ trích bản thân thường có thể là một công việc nặng nề, kiệt sức, nên dùng một cách tiếp cận vui nhộn có thể giúp con trẻ có thêm chút ánh sáng hài hước, cân bằng lại mức độ nặng nề của chuyện chú ý đến những thói quen không có ích. Dần dần, trẻ có thể ứng phó ngược lại những thói quen gây hại ấy và tiếp cận câu chuyện thất bại theo một hướng khác.
Nhân cách hóa sự tự chỉ trích trong nội tâm thành một con "quái vật" có thể giúp trẻ hiểu được khi nào thì trẻ đang quá hà khắc với bản thân, cũng như học lấy một điều quan trọng rằng những ý nghĩ ấy không phải là sự thật. Chỉ vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm mọi chuyện thật tệ, thì không có nghĩa là chúng ta tệ thật.
Học cách "vặn nhỏ" tiếng tự chỉ trích là một trong những kỹ năng sống quan trọng giúp con bạn nuôi dưỡng sức bật nội tâm và lòng bao dung với chính bản thân mình.
Nếu sự tự chỉ trích của con đang lớn lên thì cần tìm cách để con quái vật ấy phải "giảm cân". Đây là cách bạn có thể giúp con quan sát cách sự tự chỉ trích vận hành và từ đó có thể kiểm soát được những tiếng nói tiêu cực này.
1) Giúp con gọi tên sự tự chỉ trích: Điều này tạo cơ hội để con có không gian để tự quan sát và tách biệt từ ngữ và hành động của sự chỉ trích khi điều này xuất hiện bên trong con. Bước gọi tên cũng trao cho con bạn cơ hội để điều hướng những từ ngữ khắc nghiệt (những ý nghĩ tự trách bản thân). Sau cùng, con có thể tạo được thói quen tự nhận thức sâu sắc về những điều diễn ra bên trong con.
Tiến sĩ Hazel Harrison |
2) Áp dụng kỹ thuật BFF: bạn có thể chú ý thấy sự chỉ trích xuất hiện vào những ngày con gặp chuyện khó khăn. Khi đó, con có xu hướng khắt khe với bản thân hơn. Ví như: "Tại con mà chúng ta thua cuộc", khi nghe thấy những điều tương tự như thế, bạn hãy hỏi con rằng: "Con có nói như vậy với người bạn thân nhất của con không?". Nếu câu trả lời là "không", thì đó là lúc chúng ta cần dọn dẹp những cuộc tự thoại tiêu cực trong đầu. Hãy khuyến khích con trở thành bạn thân của chính con (BFF - Best Friends Forever - Bạn Thân Mãi Mãi).
Hãy đề nghị con nghĩ về điều con sẽ nói với bạn thân nếu người bạn ấy gặp phải thất bại tương tự, và cách con sẽ nói điều đó với bạn. Thực hành điều này thường xuyên sẽ giúp con vừa học được tâm thế chịu trách nhiệm về hành động của bản thân vừa tự nuôi dưỡng lòng khoan dung với chính mình.
3) Hồi đáp: khi lời tự chỉ trích xuất hiện, một trong những điều bạn cần hướng dẫn con là kỹ năng hồi đáp lại các tiếng nói nội tâm ấy. Ví như, khi bạn để ý rằng con đang bắt đầu có ý nghĩ rằng "chuyện này sẽ không bao giờ thành công đâu, mình sẽ luôn là một kẻ vô dụng trong chuyện này" thì hãy khuyến khích con hồi đáp lại nhận định ấy. Đây là một số câu bạn có thể gợi ý cho con:
"Đủ rồi, quái vật chỉ trích ạ - Tớ đang cố gắng làm tốt nhất có thể đây".
"Tớ không thể nghe được cậu, chỉ trích ạ. Vì sao? Vì tớ đang bận với những chuyện tuyệt vời đang diễn ra ở đây".
"Có thể lần này sẽ không thành công, như cậu nói, Chỉ trích ạ, nhưng tớ vẫn sẽ thử lại thêm một lần nữa".
4) Nhờ hỗ trợ: nếu con bạn đang cố gắng thuần thục một điều mới mẻ nào đó, có thể đó là một bài học toán mới hay một thủ thuật để lướt ván, thì đây cũng là những tình huống phổ biến để sự chỉ trích xuất hiện. Lúc ấy, các tiếng nói vang lên có thể là "cậu thật tệ hại với trò chơi này" hay "Tốt hơn là cậu nên thôi cố gắng đi". Lúc ấy, hãy khuyến khích con chứng minh rằng những tiếng nói ấy là sai, bằng cách tìm kiếm những lời khuyên và sự hỗ trợ từ những người đã thành thạo kỹ năng ấy. Nếu xung quanh con là những người luôn nói rằng "con có thể làm được", thì khi đó tiếng chỉ trích bên trong sẽ nhỏ dần rồi biến mất.
5) Nhận ra những khoảnh khắc thực hành tích cực: Bị sự tự chỉ trích tấn công có thể khó khăn với vài trẻ, đôi khi còn làm các con kiệt sức. Điều này có thể làm các con hoài nghi về bản thân cũng như năng lực của các con. Để giải quyết chuyện này, điều quan trọng cần có là trẻ tìm thấy lại sự tự tin trong những việc chúng thích làm.
Mỗi ngày, hãy giúp con nhận diện được những điều mà con làm tốt - bất kể chuyện này trông có vẻ nhỏ nhặt đến mấy. Hãy hỏi con về chuyện con đã làm được gì trong ngày hôm ấy và giúp con tìm ra những khoảnh khắc tích cực trong cả những ngày dường như là khó khăn với con. Sự thực hành cảm giác biết ơn này nếu được duy trì đều đặn sẽ giúp con nuôi dưỡng sức bật nội tâm, lòng khoan dung với chính mình, và làm cho con quái vật chỉ trích im tiếng.