Vành đai 3: Xung lực phát triển kinh tế phía Nam
Trong nước - Ngày đăng : 01:30, 10/06/2022
Từ nhiều năm nay, TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế phía Nam đối mặt với những điểm nghẽn như giao thông ách tắc; dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển. Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn.
Với tính chất kết nối liên vùng, là điểm đầu của 5 tuyến cao tốc, kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm, việc đầu tư dự án đường vành đai 3 theo tiêu chí năng lực thông hành lớn, tốc độ cao nhằm tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, là rất cần thiết.
Quá tải dẫn đến mất lợi thế
Hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - quốc lộ 22 - quốc lộ 13 đều đã quá tải. Thời gian tới, khi sân bay Long Thành hoàn thành vào năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp với công suất 50 triệu hành khách/năm, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành vào năm 2023, áp lực giao thông là bài toán khó cho TP.HCM và các địa phương trong vùng.
TP.HCM vốn là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả hai vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nhưng những năm qua hệ thống giao thông tắc nghẽn đã làm giảm sự phát triển, kìm hãm giao thương kinh tế giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm. Trong 6 tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với 7 tỉnh lân cận theo quy hoạch, hiện mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối các tỉnh phía Đông và cao tốc TP.HCM - Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây. Và hiện cả hai tuyến đường này đều rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Trong khi đó, các dự án đường vành đai 1, 2, 3 theo quy hoạch phải hoàn thành trước năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, đứt đoạn. Riêng dự án đường vành đai 3, đã được quy hoạch hơn 10 năm qua nhưng đến nay chưa được xây dựng khép kín.
Chính tình trạng tắc nghẽn giao thông đã gây thiệt hại lớn cho TP.HCM. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm TP.HCM thiệt hại đến 1,2 triệu giờ công lao động, hơn 1 tỷ USD do ùn tắc giao thông. Và việc ùn tắc giao thông cũng tạo nên chi phí bất hợp lý cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cảnh báo nếu không cải thiện hạ tầng giao thông, TP.HCM sẽ mất dần lợi thế so với nhiều địa phương khác.
Cơ hội để phát triển đúng tầm
Vành đai 3 là vành đai công nghiệp trải dài, là cốt lõi để phát triển kinh tế vùng. Việc tắc nghẽn giao thông làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực.
Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai dự án đường vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối.
Các chuyên gia cho rằng, với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 không chỉ liên kết 4 địa phương mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Không gian đường vành đai 3 tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh. Toàn bộ hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đưa về các cảng biển và ngược lại được lưu thông nhanh chóng, tiết giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Theo các chuyên gia, dự án này không chỉ giúp giảm chi phi logistics, tạo động lực phát triển kinh tế, mà còn tạo đột phá phát triển các đô thị vệ tinh, giúp phân bổ lại dân cư cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Bởi khi hoàn thành, đường vành đai 3 sẽ mở hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thành phố Thuận An (Bình Dương), thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Ngoài ra, dự án sẽ giúp phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh của TP.HCM và Bến Lức (Long An). Tuyến vành đai 3 TP.HCM khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Không chỉ vậy, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi nói như TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đường vành đai 3 TP.HCM càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân, nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng.
Như vậy, khi đầu tư cho đường vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước, cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.