3 vấn đề để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất
Trong nước - Ngày đăng : 02:27, 10/06/2022
Theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm ngay sau khi đất nước thống nhất. Sau đổi mới, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế được xem là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở.
Kể từ năm 2001, chính sách phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định. Từ năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được ban hành cùng với Luật Đất đai được xem là hai luật ban hành đầu tiên sau đổi mới. Từ đó đến nay, các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được liên tục đổi mới. Đến năm 2008, Nghị định đầu tiên của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp được ban hành, ngày càng được đổi mới, nhất là Nghị định 35 mới được ban hành vào năm 2022.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 khu công nghiệp với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 53,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018…
Tuy nhiên, khi nhìn lại việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều nhược điểm như các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ.
Đồng thời, chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp. Cùng với đó, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các khu công nghiệp không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các chuyên gia cho rằng có ba vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất khi muốn đầu tư tại Việt Nam là vị trí địa điểm đầu tư, hạ tầng logistics, thời gian và giá thuê. Do đó, cần những nhà đầu tư lớn để xây dựng các khu công nghiệp có quy mô tầm cỡ, có đầy đủ nguyên phụ liệu, hạ tầng logistics, hạ tầng dịch vụ kết nối, từ nguồn cung đến cầu để các doanh sản xuất yên tâm đầu tư.
Nhìn vào các nước có thể thấy, những khu công nghiệp lớn trên thế giới đều có khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Điển hình như khu công nghiệp SHXIP ở Thượng Hải có vị trí thuận lợi trong kết nối quốc tế (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt…). Do đó, ở đây có tới 50% nhà đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Khu công nghiệp này có 26 trường đại học, có 3 trường phổ thông trung học quốc tế, có 3 khách sạn quốc tế hạng sang, có 1,2km2 để xây dựng kho bãi và logistics, hệ thống giao thông kết nối hiện đại.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, khi mới bắt đầu đầu tư, các công ty nên xây dựng lộ trình rõ ràng. Bước đầu nên thuê nhà xưởng và mở rộng dần thay vì đầu tư nhà máy. Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, công ty cũng phải nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề tiếp cận thông tin đầu tư và nguồn nhân lực. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất thì Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam, thành công hay không là do có phát triển được đội ngũ nhân lực cốt lõi hay không. Bởi khi đã đầu tư tại đây thì phải làm sao để sử dụng được tất cả nguồn lực tại chỗ. Phải làm sao để người Việt Nam vận hành được máy móc của nước ngoài để sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam chứ không phải đem bao nhiêu chuyên gia người nước ngoài qua.