Việt Nam đứng đâu trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới?

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 09:45, 10/06/2022

Việt Nam có thể vượt Thái Lan để đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới vào năm tới nếu vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng.
Việt Nam đứng đâu trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới?

Việt Nam có 2 thành phố thuộc bảng xếp hạng của StartupBlink là Hà Nội và TP.HCM.

StartupBlink - một trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, vừa công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore (7); Indonesia (38); Malaysia (42) và Thái Lan (53).

Theo StartupBlink, Việt Nam có thể vượt Thái Lan để đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới vào năm tới nếu vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng.

Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu được công bố hàng năm từ 2017, dựa trên thông tin thu thập từ 100 quốc gia và 1.000 thành phố trên thế giới.

Để cho ra bảng xếp hạng, StartupBlink đã sử dụng dữ liệu từ hàng trăm nghìn đơn vị liên quan đến khởi nghiệp. Đơn vị này cũng hợp tác với Crunchbase, SEMrush, Statista và Meetup để sở hữu các thông tin độc quyền.

Việt Nam có 2 thành phố thuộc bảng xếp hạng của StartupBlink là Hà Nội và TP.HCM. Song, khoảng cách giữa 2 thành phố này đã được nới rộng hơn vào năm nay. TP.HCM tiến gần đến top 100 – tăng 68 bậc lên vị trí 111, Hà Nội rời top 200 khi giảm 31 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 222.

"Sở hữu Hà Nội và TP.HCM - hai trung tâm đổi mới sáng tạo, là động lực lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với một quốc gia gần 100 triệu dân, 2 thành phố là chưa đủ", StartupBlink đánh giá.

vie-t-nam-du-ng-da-u-tre-n-ba-6267-7266-

Tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tại báo cáo của StartupBlink. Ảnh chụp màn hình

Theo trung tâm này, "hệ sinh thái khởi nghiệp Việt có tiềm năng tăng trưởng, chủ yếu nhờ quy mô của nền kinh tế, giúp các startup thành công ngay cả khi họ không mở rộng ra thị trường quốc tế". Tuy nhiên, "để trở thành một trung tâm khởi nghiệp của khu vực và trên thế giới, Việt Nam phải tạo ra những đổi mới có tác động khu vực hoặc toàn cầu".

StartupBlink cũng chỉ ra các lĩnh vực đang hút đầu tư tại Việt Nam gồm thương mại điện tử, giáo dục, Fintech, Foodtech, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Một số startup Việt đáng chú ý được StartupBlink đề cập là Cốc Cốc, Sky Mavis - hai "kỳ lân" của Việt Nam, và sàn thương mại điện tử Sendo.

Top 10 quốc gia dẫn đầu Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2022 là Mỹ, Anh, Israel, Canada, Thụy Điển, Đức, Singapore, Australia, Pháp và Trung Quốc.

Doanh Doanh