Nền kinh tế Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế hiện nay
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 12/06/2022
Trước đó, Việt Nam được S&P xếp hạng ở mức BB nhưng nâng triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực" vào ngày 21/5/2021. Lý do nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB+, theo công bố của S&P, ngoài việc ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 đã được khống chế, tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài (FDI), yếu tố quan trọng là những cải thiện mạnh mẽ về quy trình thực hiện nghĩa vụ nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh.
BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB, dù cộng đồng tài chính và đầu tư quốc tế vẫn xem BB+ là "có tính đầu cơ”, song đây là mức tiệm cận với nhóm BBB-, nhóm được định nghĩa là "mức đầu tư”. Nếu nâng lên mức BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới.
Để xếp hạng, S&P áp dụng 5 nhóm tiêu chí chính: thể chế và chính sách; chất lượng tăng trưởng kinh tế; sức mạnh cán cân thanh toán (bao gồm dự trữ ngoại hối và thặng dư cán cân thanh toán); cân đối tài khóa (bao gồm thu chi ngân sách, đầu tư công và nợ công); thị trường tiền tệ - tín dụng. Việc S&P nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB+ trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, đó là sự công nhận vị thế nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tác động của việc nâng hạng tín nhiệm lên BB+ được cho là sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí huy động vốn không chỉ đối với trái phiếu chính phủ trong sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, mà còn cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế.
Mặc dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất, nhưng thông lệ quốc tế cho thấy, nếu từ BB+ vươn lên mức BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150-300 điểm cơ bản về lãi suất. Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động vốn của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể. Đơn cử như lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của VinGroup, theo tính toán chi phí vốn hằng năm có thể giảm được từ 8-16 triệu USD nếu như lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB của Việt Nam so với hiện tại.
Chính phủ đang nỗ lực cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, với mục tiêu đến năm 2030 đạt mức từ BBB- (đối với S&P và Fitch) và Baa3 (đối với Moodys) trở lên. Việc được nâng hạng lên BB+ là tín hiệu đáng mừng và mục tiêu đạt BBB- đến năm 2030 sẽ có tính khả thi cao hơn.
Cải thiện hồ sơ tín dụng, cải thiện minh bạch công bố thông tin, trong đó xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm nội địa sẽ góp phần cho sự thành công của chiến lược vốn tối ưu trong nước với doanh nghiệp.
Để đạt mức tín nhiệm từ BBB- trở lên, Việt Nam cần phải tăng cường minh bạch thông tin và dữ liệu về kinh tế - tài chính theo các nhóm tiêu chí đánh giá của S&P cả về số lượng và chất lượng, bởi theo S&P, Việt Nam còn nhiều khoảng trống về dữ liệu, độ trễ trong các báo cáo và chưa có độ chính xác cao. Chất lượng dữ liệu nợ nước ngoài của Việt Nam còn thiếu đồng nhất và có một vài sai số. Cải thiện chính sách và thể chế, tăng cường tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong các chính sách tiền tệ.
Theo S&P, năng lực của Ngân hàng Nhà nước có thể cải thiện để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ nền kinh tế trước những cú sốc kinh tế và tài chính. Đồng thời, cần phải lưu ý tới rủi ro nợ tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng, bởi quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng so với GDP đang ở mức lớn (hơn 150%) so với quy mô phát triển của quốc gia.
Đối với các doanh nghiệp, do mức tín nhiệm quốc gia được nâng lên BB+, dự báo một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ sớm được nâng hạng theo, từ đó có thêm cơ hội để huy động vốn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng Nhóm Nghiên cứu rủi ro tín dụng khối dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings - FiinGroup, lãi suất huy động (tính cả phí bảo lãnh) sẽ vẫn rất cao, lên tới gần 7,4% bằng USD (với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay), cao hơn đáng kể so với một số doanh nghiệp tương đồng ở các quốc gia trong khu vực có điểm xếp hạng tín nhiệm BBB hoặc A.
Trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng gia tăng, nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ sẽ tăng theo và dẫn đến phát sinh lỗ tỷ giá đối với các khoản vay hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ, nên thị trường vốn nội địa vẫn cần là ưu tiên trong chiến lược vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng năng lực tín dụng với thị trường vốn nội địa, bao gồm cả kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp, do tiềm năng vốn nội địa còn rất lớn, lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng và nhiều định chế tài chính, tín dụng, bảo hiểm...
Cải thiện hồ sơ tín dụng, cải thiện minh bạch công bố thông tin, trong đó xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm nội địa sẽ góp phần cho sự thành công của chiến lược vốn tối ưu trong nước với doanh nghiệp.