Các giải pháp mang tầm chiến lược để hoàn thiện chuỗi logistic nông sản ĐBSCL
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 13/06/2022
Logistics yếu
Tại diễn đàn "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức diễn ra mới đây ở Cần Thơ, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hằng năm ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, khu vực này còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, thiếu hệ thống kho, cảng, nhất là cảng biển nước sâu khiến hàng hóa vẫn phải trung chuyển qua nhiều địa điểm (70% chuyển tải qua các cảng ở TP.HCM và Vũng Tàu) nên chi phí vận tải cao hơn từ 10-40%, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa.
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, khu vực ĐBSCL có đến 12 cảng biển, nhưng năm 2021 mới trung chuyển đạt 21 triệu tấn hàng hóa, một sản lượng còn quá nhỏ. Điểm yếu của hạ tầng cảng biển ở ĐBSCL đó là phân tán, nằm sâu trong nội địa, hiệu quả khai thác chưa cao, thiếu hệ thống kho lạnh.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá ĐBSCL là vùng sản xuất ra nhiều nông sản có giá trị lớn, chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản lưu thông là rất quan trọng, song chi phí logistics còn cao. ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, khả năng phát triển giao thông thủy lớn, nhưng khai thác còn hạn chế. Tại ĐBSCL, hệ thống đường bộ mới có hơn 2.000km, đường cao tốc chỉ có 91km, năng lực vận tải hàng hóa của hệ thống giao thông đường bộ còn thấp.
Hướng phát triển
Để đạt mục tiêu phát triển ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải phát triển hạ tầng logistics khu vực này mang tính đồng bộ, kết nối vận tải đa phương thức liên vùng và quốc tế, phát huy thế mạnh vùng về giao thông thủy nội địa; xây dựng các trung tâm logistics lớn, phát triển doanh nghiệp logistics đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics; tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ hiện đại để phát huy lợi thế quy mô, tiết kiệm chi phí.
Cần phải phát triển hạ tầng logistics khu vực này mang tính đồng bộ, kết nối vận tải đa phương thức liên vùng và quốc tế, phát huy thế mạnh vùng về giao thông thủy nội địa. Xây dựng các trung tâm logistics lớn, phát triển doanh nghiệp logistics đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư vào logistics ở ĐBSCL không chỉ ở các khâu giao nhận, kho vận, mà tất cả dịch vụ cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Dịch vụ logistics 4PL cho ĐBSCL là rất quan trọng do quy mô sản xuất lớn của vùng này còn hạn chế, qua đó nhằm hỗ trợ cung ứng đầu vào sản xuất, thu hoạch, phân phối, tiếp thị, phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng để đa dạng hóa sản phẩm nhờ Big Data để tối ưu hóa chi phí logistics.
Theo ông Trần Thanh Hải, phát triển logistics ĐBSCL quy hoạch vùng có yếu tố rất quan trọng cần đi trước để các địa phương chi tiết hóa quy hoạch phát triển, xây dựng các trung tâm logistics lớn gắn với hàng hóa nông sản.
Phát triển logistics ĐBSCL cần tăng cường liên kết giữa các chuỗi cung ứng, gắn với sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, xanh hóa chuỗi logistics, chú trọng tiêu chuẩn nông sản, đảm bảo chuỗi cung ứng lạnh cho nông sản do yếu tố bảo quản; tăng cường liên kết dọc giữa các nhà sản xuất (lúa gạo, trái cây, thủy sản) với doanh nghiệp logistics; tăng cường liên kết ngang giữa các doanh nghiệp logistics trong vùng cũng như giữa các địa phương ở ĐBSCL để tránh phát triển logistics có tính phân mảnh, không hiệu quả.