TTCK Việt Nam: Đến lúc cần phát triển theo chiều sâu
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 13/06/2022
TS. Cấn Văn Lực |
* TTCK Việt Nam sau giai đoạn phát triển nhanh, gần đây xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Khi đánh giá TTCK Việt Nam, ngoài các yếu tố tích cực, chúng tôi đã rút ra hiện tượng 4Đ, đó là "điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy, đám đông".
"Điều chỉnh" là mức tăng điểm nhanh (năm 2021 tăng 35,7%) khi tăng trưởng kinh tế thấp (GDP chỉ tăng 2,58%) và từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2022, chỉ số VN-Index đã giảm khá nhanh, khoảng 13,7%.
"Đầu cơ” là nhiều NĐT lướt sóng cổ phiếu để kiếm lời, không đầu tư trung và dài hạn. Nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ liên tục bị đẩy giá lên, phản ánh không đúng giá trị thực của doanh nghiệp, làm méo mó thị trường.
"Đòn bẩy tài chính" là cho vay ký quỹ (margin) phục vụ NĐT mua bán chứng khoán rất cao, khoảng 8 tỷ USD cuối tháng 3/2022. Điều này nguy hiểm khi lãi suất cho vay tăng khiến nghĩa vụ trả nợ tăng; giá cổ phiếu đi xuống dưới ngưỡng, buộc NĐT phải bổ sung tài sản thế chấp hoặc phải bán tháo cổ phiếu (giải chấp), khiến giá cổ phiếu giảm mạnh; bên cho vay (các tổ chức tín dụng) giảm cho vay nhằm kiểm soát rủi ro, khiến dòng tiền bị đứt gãy.
"Đám đông" tức là NĐT mới tham gia thị trường ồ ạt, số tài khoản mở mới chỉ tính riêng năm 2021 đã gần bằng 7 năm trước cộng lại. Xem xét lịch sử diễn biến thị trường cho thấy, hiện tượng này do yếu tố tâm lý đám đông chi phối mạnh. NĐT cá nhân đang chiếm áp đảo cả số lượng và giá trị giao dịch trên TTCK (chiếm bình quân 85% giao dịch), đặc tính của NĐT cá nhân thường phản ứng quá lạc quan hoặc quá bi quan trước những thông tin trên thị trường.
Tình trạng cổ phiếu mang tính đầu cơ liên tục bị đẩy giá lên, phản ánh không thực giá trị thực của doanh nghiệp, làm méo mó thị trường |
* Cơ quan điều tra vừa bắt giữ một số cá nhân thao túng TTCK. Ông nhìn nhận thế nào về công tác quản lý đối với TTCK nói chung, thị trường cổ phiếu nói riêng?
- Phải minh bạch vì nó đảm bảo tính công bằng và bảo vệ NĐT. Đó cũng là một trong những tiêu chí luôn được các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI yêu cầu trước khi có thể nâng hạng TTCK Việt Nam. Tính minh bạch, quản lý, giám sát và chế tài phù hợp là những yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển TTCK bền vững.
Những quy định quản lý, giám sát TTCK hiện nay được cho là khá đồng bộ, nhưng các biện pháp xử lý vi phạm thì chưa đủ răn đe và chưa xử lý triệt để, kịp thời.
* Theo ông thì giải pháp nào để TTCK Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững?
- Trước hết là sửa Luật Chứng khoán, trong đó nâng chuẩn NĐT, nâng cao chất lượng quản lý, kiểm tra, giám sát trên cơ sở quản lý rủi ro; cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản (BĐS) chuyên biệt như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS (REIT), cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS.
Quan trọng nữa là phải minh bạch thông tin đối với NĐT, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính thông qua áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế hoặc kiểm toán độc lập.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng. Cải thiện cung - cầu thị trường...
Phát triển đồng bộ và đa dạng sản phẩm chứng khoán (gồm cả các sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu, chứng khoán phái sinh...).
Áp dụng công cụ phái sinh có tính chất đối xứng để giảm hiện tượng NĐT tập trung vào một công cụ. Có đầu mối theo dõi, giám sát và tăng cường kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (liên thông ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - BĐS).
* Cảm ơn ông!