Doanh nghiệp áp lực nguồn vốn kinh doanh
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 14/06/2022
Khả năng tiếp cận tín dụng
Lãi suất trên thị trường liên NH thời gian qua liên tục giảm mạnh, với lãi suất vay qua đêm giữa các nhà băng đã rớt về gần vùng 0,3%, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Việc nhiều NH chưa được nới room đã khiến các nhà băng không thể cho vay thêm trong những tuần qua, khiến thanh khoản trở nên dư thừa.
Đơn cử như trường hợp của Vietcombank, tại đại hội cổ đông, lãnh đạo NH này chia sẻ, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I đã đạt 7% và đến ngày 29/4 là 8,8%, trong khi mục tiêu đã được cấp chính thức là 10%. Hay như VietinBank gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 khi tăng trưởng 9% so với đầu năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân, ACB mới hết quý I đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% và NH này đã phải nộp đơn xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 để có thêm dư địa cho vay. Tương tự, MBBank cũng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20%, cao hơn mục tiêu tạm thời được giao ở 15%.
Về cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, người đứng đầu NHNN đã chia sẻ, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện theo nguyên tắc TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số hoạt động an toàn.
Cửa phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có bị hẹp dần? |
Triển vọng kinh tế phục hồi thúc đẩy nhu cầu vay gia tăng đã giúp tín dụng tại nhiều NH phát triển mạnh, đẩy tín dụng toàn ngành tăng khá cao ngay từ những tháng đầu năm. Theo số liệu cập nhật mới đây từ NHNN, đến ngày 31/5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng rõ ràng với việc các NH đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng từ khá sớm và chưa được cấp mới, khả năng tiếp cận tín dụng của DN sẽ gặp không ít thách thức. Vì với room tăng trưởng ít ỏi còn lại, các NH sẽ ưu tiên cho các khoản vay cá nhân với biên lãi suất cao hơn, đặc biệt những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản sẽ tiếp tục bị thắt chặt.
Trong khi đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được thông qua trong tháng 5, nhiều NH đang kỳ vọng sẽ sớm được nới room để triển khai chương trình này. Dù vậy, yêu cầu từ phía NHNN là các nhà băng không được hạ chuẩn tín dụng, phải bảo đảm hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.
Đáng lưu ý là với những DN không thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất, cơ hội tiếp cận tín dụng thời gian tới cũng có thể bị thu hẹp khi các NH ưu tiên nguồn vốn để cho vay khách hàng thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất theo chính sách của NHNN.
Kiểm soát phát hành trái phiếu
Trong khi khả năng tiếp cận tín dụng tại các NH có thể hạn chế, kênh huy động vốn của DN từ thị trường chứng khoán, TPDN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do những tai tiếng và hành vi vi phạm của một số DN phát hành được phanh phui gần đây, cộng thêm sự cảnh báo liên tục của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn với kênh đầu tư này.
Việc gia tăng kiểm soát chặt chẽ việc phát hành TPDN cũng sẽ khiến DN muốn phát hành lẫn tổ chức tư vấn, bảo lãnh phải chùn tay. Được biết, Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững, đơn cử như sẽ sửa đổi, bổ sung các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những tồn tại trong công bố thông tin của DN trước khi phát hành trái phiếu. Nhất là nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp DN khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con. DN phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu. Chính phủ cũng sẽ quy định rõ tài sản bảo đảm của TPDN phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện chủ sở hữu trái phiếu. Và tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành.
Với việc các NH hết dư địa tăng trưởng tín dụng từ khá sớm và chưa được cấp mới, khả năng tiếp cận tín dụng của DN sẽ gặp không ít thách thức. Vì với room tăng trưởng ít ỏi còn lại, các nhà băng sẽ ưu tiên cho các khoản vay cá nhân với biên lãi suất cao hơn.
Những biện pháp kiểm soát chặt kênh TPDN sẽ khiến DN rơi vào nguy cơ không thể phát hành mới để tài trợ cho các khoản nợ sẽ đáo hạn trong thời gian tới. Số liệu thống kê cho thấy, số TPDN đáo hạn trong hai năm 2022 và 2023 ước khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành.
Có thể thấy, xu hướng lãi suất tăng không phải là mối lo duy nhất của DN hiện nay, mà khả năng tiếp cận tín dụng hay tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như trả nợ các khoản vay đến hạn, đang là một thách thức không nhỏ.