Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: Không có giải pháp chung cho tất cả

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 16/06/2022

Doanh Nhân Sài Gòn có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - về vấn đề chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: Không có giải pháp chung cho tất cả

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, chuyển đổi số các cơ quan báo chí tuy là xu thế tất yếu, nhưng trong quá trình thực hiện đã có không ít khó khăn, vấp váp thậm chí cả những sai lầm. 

* Theo ông, chuyển đổi số mở ra những cơ hội gì hay đem lại hiệu quả như thế nào cho hoạt động của các cơ quan báo chí?

- Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân: Trong bối cảnh người dùng di chuyển sang các nền tảng số ngày càng nhiều khiến cho hành vi tiếp cận thông tin của người dùng thay đổi, đẩy họ xa dần các nền tảng báo chí truyền thống, một số nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng các cơ quan báo chí phải “chuyển đổi số hay là chết". Thế nhưng không ít cơ quan báo chí vẫn băn khoăn như đứng trước ngã ba đường. Cơ hội rõ ràng nhất là chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì sự kết nối với độc giả, khán thính giả để thực hiện sứ mạng của báo chí là cung cấp những thông tin trung thực, những kiến thức hữu ích cho xã hội, giúp người dùng định hướng cuộc sống cũng như công việc của họ. Và một khi duy trì được kết nối với người dùng thì báo chí mới có thể tồn tại và phát triển.

Có lời khuyên rằng “Hãy chuyển đổi số trước, lợi ích sẽ đến sau". Cần tiến hành thay đổi toàn diện trong cả tòa soạn về cách thức hoạt động cũng như văn hóa riêng của cơ quan báo chí, trước khi đặt ra những mục tiêu tham vọng về doanh thu digital (cả quảng cáo và thu phí người dùng). Nói cách khác, cần chuyển đổi số cả ở bộ phận nội dung, thương mại lẫn công nghệ, và hiệu quả sẽ tới dù nhanh hay chậm. Không gieo hạt thì làm sao có ngày thu hoạch!

* Trong quá trình cải tổ, xây dựng cơ quan báo chí, truyền thông, ông thấy khó khăn, thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí khi chuyển đổi số là gì? Khi thực hiện chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần lưu ý điều gì và bắt đầu ra sao?

- Khó khăn lớn nhất chính là việc thay đổi tư duy của lãnh đạo tòa soạn cũng như đội ngũ cán bộ nhân viên, phóng viên, biên tập viên. Một bộ phận cho rằng để chuyển đổi số chỉ cần đầu tư thêm một số thiết bị, máy tính, phần mềm; một bộ phận khác cho rằng chuyển đổi số là việc của ban lãnh đạo và bộ phận công nghệ, còn họ vẫn theo lối làm việc truyền thống.

Ngay cả ở cấp lãnh đạo, không nhiều người hiểu rõ về chuyển đổi số, không biết bắt đầu từ đâu, hoặc giao phó việc này cho bộ phận kỹ thuật. Còn một khó khăn nữa là chưa có nhiều tài liệu về chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí bằng tiếng Việt để tham khảo.

Có một thực tế, nhiều cơ quan báo chí có xu hướng “chờ xem” các cơ quan khác làm thế nào rồi mới chuyển động, hoặc chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng là Bộ Thông tin - Truyền thông.

Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, thấy được sự cấp bách và đòi hỏi tất yếu, từ đó xác định mục tiêu cần đạt được và xây dựng nên chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, phù hợp với năng lực của mình. Không có giải pháp chuyển đổi số chung nào cho tất cả các cơ quan báo chí. Cũng đừng nghĩ chuyển đổi số là cái gì đó quá to tát, quá tốn kém. Hãy bắt đầu bằng những bước đi nhỏ nhưng bền vững, lấy độc giả làm trung tâm để chuyển đổi hoạt động của toàn bộ tòa soạn.

le-quoc-minh-2537-1655208461.jpg

Ông Lê Quốc Minh: "Không có giải pháp chuyển đổi số chung nào cho tất cả các cơ quan báo chí"

* Phương thức tiếp cận độc giả khi chuyển đổi sốsẽ thay đổi như thế nào, theo ông?

- Báo chí hiện đại đi theo hướng đa phương tiện và đa nền tảng. Người dùng ở đâu thì báo chí phải ở đó. Chuyển đổi số giúp báo chí hiện diện hiệu quả trên các nền tảng digital, giúp thay đổi toàn bộ quy trình thu thập thông tin, sản xuất thông tin và phát hành thông tin.

Chuyển đổi số cũng làm thay đổi các hoạt động khác của tòa soạn, kể cả cách thức quản trị lẫn kinh doanh, và tạo ra cả văn hóa mới cho tòa soạn. Các hình thức báo chí truyền thống tạo ra mối quan hệ thông tin một chiều giữa cơ quan báo chí và người dùng, nhưng chuyển đổi số tạo ra mối quan hệ tương tác đa chiều, giúp đa dạng hóa nội dung và đa dạng hóa các mô hình kinh doanh.

Chuyển đổi số còn có thể mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng đối với các sản phẩm thông tin, cũng như khả năng cá nhân hóa nội dung – điều mà báo chí truyền thống không thể làm được. Cùng một vấn đề, một sự kiện, báo chí digital có thể sản xuất ra hàng chục, hàng trăm phiên bản dành cho những đối tượng độc giả khác nhau. Khán giả trong tương lai không theo dõi sự kiện qua màn hình một cách thụ động mà họ có thể trở thành một phần của sự kiện, như thể đang hòa mình trong sự kiện và thậm chí kết nối với những khán giả khác ở bất kỳ khoảng cách địa lý nào.

*Có ý kiến cho rằng các báo điện tử luôn cập nhật những xu thế làm báo mới, hiện đại của thế giới như  mô hình tòa soạn hội tụ, longform, infographic, podcast hay đẩy mạnh kênh Youtube, Tiktok… thì việc chuyển đổi số  sẽ không còn ý nghĩa, ông nghĩ thế nào?

- Các báo điện tử quen hoạt động trên môi trường digital không có nghĩa là đã thực hiện chuyển đổi số. Sử dụng hệ thống quản trị nội dung (CMS), tạo nội dung bằng thiết bị di động, phát triển các kênh truyền thông xã hội hay sử dụng một số công cụ online không đồng nghĩa với chuyển đổi số. 

Quy trình sản xuất thông tin mới chỉ là một phần hoạt động của tòa soạn, và chuyển đổi số tác động đến mọi mặt hoạt động của một cơ quan báo chí chứ không chỉ quy trình sản xuất thông tin. Cũng xin lưu ý rằng chuyển đổi số không phải là quá trình chỉ diễn ra một lần, mà theo những chu kỳ liên tục.

chuyen-doi-so-1-2312-1655216955.jpg

* Việc thu phí người đọc cũng được một số báo thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, một phần do tâm lý người đọc Việt Nam trước giờ quen được cung cấp thông tin miễn phí. Theo ông, làm thế nào để thay đổi điều này và tạo được nguồn thu ngoài quảng cáo cho hoạt động báo chí?

- Theo báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2020-2021 (WAN-IFRA), chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể, còn kế hoạch cụ thể là đẩy mạnh các kế hoạch coi độc giả là trung tâm, tăng doanh thu từ độc giả, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu. Thu phí người đọc nội dung digital chỉ là một trong nhiều cách tạo nguồn thu từ độc giả, và chỉ là một trong nhiều mô hình kinh doanh hiện đại mà thôi.

Thực tế, hầu hết các cơ quan báo chí coi việc thu phí nội dung là lựa chọn hàng đầu khi được hỏi về ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, tiếp theo là các kế hoạch đầu tư cho những công nghệ và dữ liệu cần thiết để hỗ trợ các chiến lược tạo doanh thu từ độc giả, các bộ kỹ năng trong tòa soạn, phát triển sản phẩm, và các hình thức báo chí mới.

Các cơ quan báo chí chính thống trên thế giới đều áp dụng thu phí người dùng – có thể theo mô hình thu phí mọi nội dung (hard paywall), thu phí sau khi cho đọc một số bài miễn phí (metered paywall), hoặc kết hợp một phần nội dung miễn phí và một phần thu phí (freemium).

Các nước phát triển trên thế giới cũng mất cả chục năm để thử nghiệm và lôi kéo người dùng trả phí mà hiệu quả cũng chưa cao, số lượng cơ quan báo chí thành công như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal không phải nhiều, song họ vẫn kiên định với con đường này vì không thể dựa vào nguồn thu quảng cáo như trước.

Ở Việt Nam, việc này càng khó khi tỷ lệ người Việt sở hữu các phương thức thanh toán online (thẻ tín dụng, ví điện tử…) chưa nhiều, người Việt cũng chưa có thói quen mua nội dung, tuy họ đã dần chi nhiều hơn cho việc mua sắm online.

Việc nâng cao nhận thức và tạo thói quen là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và không phải dễ dàng nhìn thấy kết quả. Nhưng nếu không đi thì làm sao thành đường, không có người đi trước thì làm gì có người theo sau.

Nếu ai cũng chờ chắc chắn hiệu quả mới làm, không dám chịu rủi ro thì không bao giờ có những sáng tạo mới, mà trong kỷ nguyên digital này, các chuyên gia nói rằng thay cho những kế hoạch quá dài hạn, mỗi cơ quan phải liên tục có những sáng tạo mang tính phá hủy (distruptive innovations) thì mới phát triển được.

Thu phí cũng không phải cách tạo nguồn doanh thu duy nhất nên việc lựa chọn tùy thuộc vào đánh giá hiệu quả của mỗi cơ quan báo chí. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỗi cơ quan báo chí nên áp dụng tối thiểu 3 mô hình kinh doanh thì mới có thể phát triển bền vững.

*Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Dung Phạm